Với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Minh Vy, Thiện Nhân sắp chuyển vào học tại TP.HCM cùng các anh chị để có điều kiện bồi dưỡng năng khiếu ca hát. Một khung trời mới đang mở ra cho cô bé đồng quê này.
Con nhà nông nghèo rớt
Thấy người thân chuẩn bị cho bé Thiện Nhân vào Sài Gòn, ông Nguyễn Xuân Phương, cha của Thiện Nhân, cứ ngồi thần người. “Vợ chồng tôi mừng nhưng cũng lo cho cháu lắm!” - ông Phương chia sẻ. Phần lớn thời gian của cuộc trò chuyện, dù đang nói chuyện ca hát của con gái mình, ông Phương chốc chốc lại quay sang nói về nghề nông, chuyện trồng lúa, tỉa bắp, hái đu đủ… Nhiều đời nay, gia đình ông Phương đều sống bằng thuần nông. Quanh năm vợ chồng ông quần quật ngoài đồng, trên vườn để nuôi người cha già cùng bốn đứa con ăn học nên không biết gì ca hát hay âm nhạc. Dàn karaoke ông sắm vào chục năm trước đã bị hư từ hai năm nay. Hiện chỉ có chiếc tivi xem chung là một trong những tài sản có giá trị nhất trong ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ được làm từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Ông Phương kể: Lúc ba bốn tuổi, hằng ngày bé Thiện Nhân ở nhà với ông nội để cha mẹ đi làm. Nhà sát đồng ruộng, sợ bé đi ra ngoài té ngã nên ông nội phải luôn canh giữ cháu trong nhà. Để cháu vui tai, ông nội hay mở nhạc cho cháu nghe. Dù chưa biết chữ nhưng không hiểu sao Thiện Nhân thuộc rất nhanh lời các bài hát. “Thấy là lạ, chị của bé bật karaoke nhưng tắt lời để bé hát theo nhạc. Không ngờ, hễ bé thuộc lời bài nào là hát đều khớp nhạc” - anh Nguyễn Thanh Cầm, anh của Thiện Nhân, kể. Từ đó mỗi khi nghe người lớn hát là Thiện Nhân hát nhẩm theo, chỉ vài lần là thuộc lời cả bài, nhớ cả giai điệu.
Theo bà Hồ Thị Tân (mẹ Thiện Nhân), trong bốn chị em, chỉ mình Thiện Nhân có năng khiếu ca hát “bẩm sinh”. Gia đình biết vậy nhưng cũng chỉ để những lúc rảnh rỗi bảo bé hát cho vui cửa vui nhà chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cho bé học về âm nhạc hay đi thi vì đó là chuyện cao xa đối với vợ chồng bà.
Thiện Nhân của ngày thường là một cô bé dễ thương, hay theo cha mẹ đi phụ tỉa bắp, hái đu đủ để bán và phụ ông nội nấu cơm cho cả nhà. Ảnh: TẤN LỘC
Không có tiền học nhạc thì sẽ làm… cô giáo dạy nhạc
Theo ông Phương, biết gia đình khó khăn, làm chỉ vừa đủ ăn và lo cho các anh chị đi học nên Thiện Nhân không bao giờ hỏi xin cha mẹ gì cả. Từ năm lớp 6, hằng ngày Thiện Nhân tự đi học bằng chiếc xe đạp cũ kỹ do các anh chị để lại. “Vợ chồng tôi biết cháu rất mê ca hát, thích có những đĩa nhạc nhưng tiền đâu mà mua. Mỗi lần nghe mấy anh chị nói đến mấy lớp dạy hát, dạy nhạc, cháu chăm chú, thích thú lắm nhưng biết nhà không có điều kiện nên cháu không xin đi học mà nói con sẽ ráng học để sau này làm cô giáo dạy nhạc” - ông Phương nói.
Buổi học cuối cùng với Thiện Nhân, lớp 7A4 rộn rã chưa từng có khi cô bé mang bánh kẹo đến liên hoan chia tay thầy cô, bạn bè. Thế rồi cả thầy trò lặng đi khi Thiện Nhân rưng rưng thể hiện những bài hát sâu lắng tạm biệt ngôi trường làng này. Cô Nguyễn Thị Thùy Nhung, Hiệu phó Trường THCS Phước Lộc, xúc động: “Bây giờ em không còn học ở đây nữa, thầy cô ai cũng tiếc nhưng cũng rất mừng vì em sẽ có điều kiện vừa học vừa được bồi dưỡng năng khiếu”. Còn cô Lê Thị Thu Thảo, chủ nhiệm lớp 7A4, bày tỏ: “Thiện Nhân rất lễ phép, nghe lời thầy cô, hòa đồng bạn bè. Nếu em vừa học tập vừa được bồi dưỡng trong môi trường tốt, năng khiếu của em sẽ phát triển hơn nữa”.
Chim sơn ca của trường làng
Theo cô Nhung, mãi đến năm lớp 5, thầy cô, bạn bè mới biết Thiện Nhân có năng khiếu ca hát. Lần đầu nghe Thiện Nhân hát, thầy tổng phụ trách đội đã hết sức bất ngờ về giọng hát trời phú của cô bé này. Ngay sau đó Thiện Nhân trở thành “cây văn nghệ đinh” của trường, bắt đầu được thầy cô đưa đi tham dự các cuộc thi văn nghệ do ngành giáo dục địa phương tổ chức. Ngay lần đầu đi thi, Thiện Nhân đã đoạt giải nhì cuộc thi Tiếng hát hoa phượng đỏ tỉnh Bình Định. Năm lớp 6, Thiện Nhân cùng một cô giáo đoạt giải nhất song ca hội thi Tiếng hát giáo viên, học sinh ngành giáo dục tỉnh Bình Định. Thấy Thiện Nhân say mê theo dõi các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình, tháng 2-2014, anh của bé đăng ký cho em gái tham dự cuộc thi The Voice Kids 2014. “Dù cháu đoạt giải nhưng gia đình luôn xác định việc quan trọng nhất, phải ưu tiên hàng đầu là việc học tập của cháu” - cha của Thiện Nhân nói.
“Út Hai nhút nhát” Dù có giọng hát hay nhưng hiếm khi Thiện Nhân hát cho người ngoài nghe vì tính vốn rất nhút nhát nên ngay cả hàng xóm cũng không mấy người từng nghe cô bé này hát. Ở nhà, Thiện Nhân được mọi người gọi bằng cái tên yêu thương là “Út Hai nhút nhát” bởi chị kề của bé là Út Nhất có tính tình dạn dĩ hơn. Thế nên vừa qua, nhiều người hàng xóm của gia đình Thiện Nhân đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy Thiện Nhân hát trên truyền hình. |