Quảng Nam: Hơn 20 năm mỏi mòn chờ đi đường mới

(PLO)- Hơn 20 năm trước, tỉnh Quảng Nam làm đường thanh niên ven biển nhưng khi đến xã Tam Hải thì vướng một hộ dân, từ đó đến nay con đường dang dở.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2001, tỉnh Quảng Nam có chủ trương mở rộng, nâng cấp tuyến đường thanh niên ven biển. Tuyến đường được thảm nhựa qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Tam Kỳ và xã Tam Tiến, Tam Hoà (huyện Núi Thành).

Tuy nhiên, khi thi công đến địa phận thôn Xuân Mỹ (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) do vướng mặt bằng của một hộ dân, đoạn đường khoảng 1 km cuối tuyến dang dở suốt hơn 20 năm qua vẫn chưa hoàn thành.

Đoạn đường khoảng 1 km cuối tuyến chưa thảm nhựa. Ảnh: THANH NHẬT
Đoạn đường khoảng 1 km cuối tuyến chưa thảm nhựa. Ảnh: THANH NHẬT

Đi lại khó khăn

Theo ghi nhận, đường thanh niên ven biển rộng khoảng 7 m, đã thảm nhựa toàn tuyến. Tuy nhiên, đến đầu thôn Xuân Mỹ (xã Tam Hải), một đoạn đường khoảng 100 m do vướng mặt bằng, chỉ rộng khoảng 2,5m, vừa lọt một làn xe bốn bánh đi. Đường chi chít ổ gà, ổ voi. Từ vị trí này đến cuối tuyến dài khoảng 1 km, con đường chưa được thảm nhựa.

Bà Nguyễn Thị Phi (59 tuổi, ngụ xã Tam Hoà, đoạn giáp ranh với thôn Xuân Mỹ), cho biết nhiều năm trước, nhà nước có chủ trương mở rộng đường thanh niên ven biển, bà con ai cũng mừng, chờ đi trên đường mới khang trang. Thế nhưng, tuyến đường còn 1 km không được thảm nhựa, mùa mưa nước đọng, mùa nắng bụi bặm khiến người dân bức xúc.

“Chúng tôi mong muốn nhà nước thảm nhựa đoạn đường này để thuận tiện cho việc đi lại. Đường như thế này đi đứng rất bất tiện, nhiều vụ tai nạn xảy ra. Nhất là mùa mưa, từng hố nước đọng ngay trên đường, học sinh đi học băng qua ướt nhem, rất nguy hiểm”, bà Phi nói.

Ổ gà, ổ voi đọng nước trên mặt đường mỗi khi trời mưa. Ảnh: THANH NHẬT

Ổ gà, ổ voi đọng nước trên mặt đường mỗi khi trời mưa. Ảnh: THANH NHẬT

Thường xuyên đi xuống cửa Lở (xã Tam Hải) chở cá, chị Huỳnh Thị Mỹ Trang (ngụ xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ), cho biết chỉ duy nhất đoạn đường này còn dang dở. Do không được thảm nhựa nên quanh năm đường luôn có ổ gà, ổ voi dày đặc, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, chính chị cũng đã từng bị té ngã.

“Đoạn đường này gồ ghề, khó đi, đặc biệt là vào mùa mưa, nước đọng khắp mặt đường. Tôi đi đường này khá thường xuyên, có hôm bị sụp ổ gà mất lái, lao vào hàng rào. Còn trời nắng thì đi như ngồi trên lưng ngựa, chở đồ nặng đi đứng rất cực. Mong nhà nước sớm giải quyết, làm đường bằng phẳng để người dân đi lại thuận tiện”, chị Trang nói.

Kiểm kê tài sản nhưng chưa đền bù!?

Theo bà Trình Thị Mỹ (ngụ thôn Xuân Mỹ) – người có đất bị ảnh hưởng, trước đây người dân trong thôn đi xuyên qua mảnh vườn nhà bà. Năm 2001, đơn vị thi công đưa xe vào san ủi, đổ đá cấp phối làm đường qua phần đất của bà. Lúc đó, lãnh đạo xã Tam Hải đến nhà lập bảng kê khai tài sản bị ảnh hưởng, nhưng không đền bù.

“Nếu con đường này đã có sẵn, chỉ ảnh hưởng hai bên lề thì tôi sẵn sàng hiến đất. Nhưng cả đám dương liễu của gia đình bị chặt bỏ, dù ít hay nhiều thì cũng phải đền bù cho tôi”, bà Mỹ nói.

Bà Mỹ cho biết chính quyền địa phương đã lập biên bản kiểm kê nhưng không bồi thường. Ảnh: THANH NHẬT
Bà Mỹ cho biết chính quyền địa phương đã lập biên bản kiểm kê nhưng không bồi thường. Ảnh: THANH NHẬT

Theo bà Mỹ, UBND xã Tam Hải hai lần lập bản kê khai, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là hơn 1.200 m2, 1.600 cây dương liễu. Hơn nữa, việc kê khai với mục đích thực hiện bồi thường cho gia đình, nhưng sau đó thì liên tục đến gia đình vận động hiến đất.

“Tôi đã đưa đơn đến nhiều nơi, các cấp yêu cầu UBND huyện Núi Thành khẩn trương giải quyết cho gia đình nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết. Phần đất, tài sản bị ảnh hưởng rất lớn, nếu không đền bù thì gia đình tôi không chấp nhận”, bà Mỹ khẳng định.

Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng, cho biết vị trí có đoạn đường vướng mặt bằng nằm trên tuyến đường liên tỉnh. Hiện nay, tỉnh chưa có chủ trương đầu tư hoàn thiện. Theo ông Hùng, trước đây tuyến đường xuyên qua đất của gia đình bà Mỹ, địa phương vận động hiến đất nhưng gia đình không đồng ý.

“Địa phương kiến nghị giải quyết để người dân đi lại thuận lợi nhưng chưa được. Hằng năm, xã dành kinh phí đổ đá cấp phối, cát để chống ngập, chống lầy để người dân dễ đi lại. Nhưng cốt nền yếu, không giải quyết được triệt để vấn đề”, ông Hùng thông tin.

Trao đổi với PLO, ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho hay đường thanh niên ven biển trước đây không có nguồn kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Toàn bộ người dân từ huyện Duy Xuyên đến Núi Thành đồng lòng, hiến đất cùng nhà nước làm đường.

“Trước đây bà Mỹ có hiến đất, nhưng giấy tờ ngày xưa xã lập bị thất lạc. Đến nay, bà Mỹ khiếu kiện đến nhiều nơi, tôi đã hai lần đối thoại, giải thích nhưng bà này không đồng tình. Nguồn vốn cho dự án đã đóng từ lâu, để giải quyết dứt điểm, tránh kiện tụng kéo dài thì đề nghị bà Mỹ khởi kiện ra toà”, ông Sinh thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm