Theo thống kê, lượng ô tô từ đường Phạm Văn Đồng đi qua sân bay Tân Sơn Nhất vào đường Trường Sơn tăng 40%. Hầu hết ô tô, xe máy đi qua khu vực này là mượn đường để vào trung tâm hoặc ngược lại chứ không phải có nhu cầu ra vào sân bay.
Không còn thời gian để tuyên truyền nữa!
Tình trạng này gây ra kẹt xe khủng khiếp trên con đường độc đạo vào sân bay Tân Sơn Nhất trong những ngày qua. Khả năng kẹt xe ở khu vực này có thể càng nghiêm trọng hơn nếu thiếu các biện pháp hữu hiệu.
Tương tự, trên các nẻo đường khác, ở khu vực trung tâm, ở khu vực các điểm mua sắm, các tuyến đường huyết mạch… ở TP.HCM, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Cách đây vài năm, chúng tôi có khảo sát, đo đếm lượng xe thì ở nhiều trục đường ô tô chủ yếu chỉ xếp có một hàng trên đường. Tuy nhiên, hiện không khó để nhận ra xe cộ đã dày đặc, bất kể giờ giấc và trong đó hầu hết ô tô đã xếp thành 2-3 hàng thay vì 1-2 hàng như trước.
Điều này cho thấy việc giải quyết kẹt xe cho TP.HCM đã quá cấp bách rồi. Do vậy, tôi thiết nghĩ lúc này không còn thời gian để tuyên truyền, vận động theo kiểu “tập bơi” nữa mà phải khẩn cấp “quăng phao” ra để gỡ kẹt xe ngay!
Ví dụ như ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cần thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách trong khi chờ xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết nối giao thông. Việc này là vừa tránh gây thiệt hại cho người đến/đi sân bay, vừa hạn chế ảnh hưởng kẹt xe dưới đất dắt dây kẹt (máy bay) trên trời. Gỡ kẹt cho Tân Sơn Nhất, tạo thông thoáng hơn cho việc đến/đi sân bay còn giữ được bộ mặt cho TP.HCM trong mắt du khách nước ngoài.
Cấm xe theo ngày chẵn, lẻ
Theo tôi, giải pháp “cấp cứu” có thể vận dụng ngay là cấm ô tô đi vào sân bay theo ngày chẵn, ngày lẻ.
Hiện nay có hai hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Một từ đường Hoàng Văn Thụ vào đường Trường Sơn. Một từ đường Phạm Văn Đồng vào đường Trường Sơn. Tôi đề nghị cấm ô tô đi vào sân bay từ hai hướng này theo ngày chẵn, lẻ để giảm kẹt xe. Cụ thể, ngày chẵn thì cho ô tô mang biển số chẵn từ Hoàng Văn Thụ vào Trường Sơn (cấm xe số lẻ) và ở hướng từ Phạm Văn Đồng vào sân bay qua đường Bạch Đằng thì cho xe số lẻ đi vào (cấm xe số chẵn). Ngược lại, ngày lẻ thì cho ô tô biển số lẻ từ Hoàng Văn Thụ vào Trường Sơn (cấm xe số chẵn) và ở hướng Phạm Văn Đồng vào sân bay qua đường Bạch Đằng thì cho xe số chẵn đi qua (cấm xe số lẻ).
Việc cấm này sẽ hạn chế được một lượng lớn xe không có nhu cầu vào sân bay song vẫn “quá cảnh” ngang như hiện nay. Và các tuyến đường vào sân bay như Bạch Đằng, Trường Sơn sẽ giảm mật độ lượng xe ngay.
Tất nhiên, khi thực hiện biện pháp này có gây ra tác dụng ngược, làm tăng lưu lượng xe trên các đường Hoàng Minh Giám, Nguyễn Kiệm… Những người muốn vào sân bay mà xe bị cấm thì phải đi vòng, sẽ đi hơi xa hơn. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận, nếu không kẹt ở mặt đất càng trầm trọng còn dẫn đến tắc nghẽn trên trời.
Kẹt xe đã đến cao điểm, đã hấp hối rồi nên nhất thiết phải được “cấp cứu” ngay. Đây là lúc cần thử nghiệm, thực hiện ngay. Đừng chần chờ nữa!
Biện pháp dễ thực hiện, không tốn chi phí và có thể áp dụng ngay trước tết Nguyên đán. Nó có thể cũng nên được áp dụng rộng ra ở các khu vực, địa bàn khác.
Đi kèm đó là các giải pháp giảm việc sử dụng xe máy, tăng lượng xe buýt lên. Thực tế hiện nay chúng ta khó có thể cấm sử dụng xe máy nhưng nên nghiên cứu các biện pháp giảm lượng xe máy trên đường. Có thể bằng những việc rất nhỏ như ở các tuyến đường thường xuyên ùn tắc thì tập trung xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và cấm cho được xe máy chiếm dụng lòng, lề đường và vỉa hè.
Giải pháp này tuy đơn giản song nó sẽ buộc các cơ sở, nhà hàng, khách sạn bố trí được nơi giữ xe máy của khách, tránh gây căng thẳng cho giao thông.
Sau đó, nếu TP.HCM làm đại trà thì việc dùng xe máy đi vào khu vực trung tâm sẽ giảm, từ đó góp phần làm cho lưu lượng xe máy trên đường cũng giảm theo.
LÂM THIẾU QUÂN, chuyên gia giao thông