“Ùn tắc giao thông là vấn nạn lớn nhất mà hàng triệu người dân TP.HCM đang gánh chịu”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng nói tại buổi làm việc với Sở GTVT hôm 13-12.
“27 vụ kẹt xe có đúng?”
Tại cuộc làm việc, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường thông tin tình hình kẹt xe thường xuyên ở nhiều tuyến đường liên hoàn, hướng đi vào trung tâm TP.HCM. Từ đầu năm đến nay, ở TP.HCM đã xảy ra 27 vụ kẹt xe lớn. Các khu vực kẹt thường xuyên, trầm trọng được xác định là các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), cảng Cát Lái (quận 2), khu 90 ha trung tâm TP và các tuyến kết nối từ ngoại ô vào nội đô...
Bí thư Thăng thắc mắc: “Người dân cảm giác ùn tắc giao thông quay trở lại mà thống kê từ đầu năm đến nay chỉ có 27 vụ kẹt xe thì đúng không? Tôi cho rằng trước tiên cần đánh giá đúng thực trạng thì mới tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp với vấn nạn ùn tắc”.
Cũng theo Bí thư Thăng, ùn tắc giao thông đang là vấn nạn lớn nhất hiện nay. Trong chừng mực có thể, chúng ta làm những cái không cần nhiều tiền mà có thể giảm kẹt xe như việc giảm bến “cóc”, xe “dù”… “Kết quả giải quyết ùn tắc giao thông chưa đạt được như mong muốn. Vì vậy cần phải phân tích, đánh giá cụ thể từng giải pháp để giải quyết. Vai trò của người đứng đầu ở các quận/huyện, sở/ngành khi đã được phân công. Trong đó, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng đơn vị, cơ quan, cá nhân để tập trung xử lý ùn tắc” - Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu phân công rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng đơn vị, cơ quan, cá nhân để tập trung xử lý ùn tắc giao thông. Ảnh: LĐ
Xe máy được vào 4 km đường dẫn cao tốc Long Thành
Theo ông Bùi Xuân Cường, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc là cơ chế phân cấp nhiều đoạn, tuyến đường giữa các đơn vị trung ương và TP.HCM chưa dứt khoát nên không khai thác hiệu quả diện tích mặt đường hiện có. Bí thư Thăng nêu ngay câu chuyện, đoạn 4 km từ nút giao An Phú lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không giao cho TP.HCM khai thác? “Nếu cho xe máy chạy vào đoạn đường cao tốc dài 4 km để nối đường Vành đai 2 đến nút giao An Phú (quận 2) sẽ giúp giải tỏa tình trạng ùn ứ xe tại khu vực” - Bí thư Thăng nói.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng Giám đốc VEC, cho biết theo thiết kế, đoạn đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 4 km nối với Vành đai 2 của TP.HCM nói trên là cao tốc nội đô. Tuy nhiên, trước nhu cầu của TP.HCM thì vẫn có thể cho xe máy đi vào được sau khi làm dải phân cách mềm. “Năm 2017, VEC sẽ phối hợp với Sở GTVT báo cáo với Bộ GTVT bàn giao đoạn cao tốc này cho TP.HCM quản lý nhằm thuận tiện trong điều tiết giao thông” - ông Anh cam kết.
Bí thư Thăng đồng ý với cách làm này vì như thế TP.HCM sẽ sử dụng, khai thác được phần đường hiện có. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề vì sao đến nay vẫn chưa xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú nhằm gỡ ùn tắc cho cả khu vực Vành đai 2, các tuyến đường Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống và cả đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo ông Mai Tuấn Anh, nút giao An Phú hiện là nút giao bằng, tập trung nhiều hướng xe đổ vào nên giờ cao điểm thường ùn tắc. VEC và Sở GTVT đang nghiên cứu xây dựng hầm chui tại nút giao này với phần vốn sẽ sử dụng vốn dư của dự án đường cao tốc Long Thành. Ông Anh nói thêm: “Về cơ bản, JICA đã đồng thuận nên sẽ làm sớm”.
“Tôi chỉ huy làm xong, các anh đi chỗ khác” Ông Lê Văn Pha, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco), cho biết tiến độ xây dựng hai bến xe mới Miền Đông và Miền Tây bị chậm vì vướng giải tỏa, cơ chế… Bí thư Thăng yêu cầu khẩn trương di dời hai bến trên và xây hai bến mới. Đất của hai bến cũ phải dành cho giao thông tĩnh, không phải lấy đất xây căn hộ. “Anh Pha về báo cáo lại lãnh đạo Samco, nếu các anh khẳng định năm 2017 di dời không xong thì các anh thuê tôi đi. Tôi mà chỉ huy thì năm 2017 là xong tất. Nhưng khi xong thì các anh phải đi làm việc khác” - Bí thư Thăng nói. Sẽ có đường sang Cần Giờ Một vấn đề khác Bí thư Thăng đặt ra là xây đường nhánh lên xuống từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành nối vào đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) đã được VEC triển khai ra sao. Ông Mai Tuấn Anh cho biết việc xây dựng đường nhánh vào đường cao tốc Bến Lức -Long Thành nối với huyện Cần Giờ gặp sự phản biện từ các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ. Họ cho rằng các nhánh rẽ sẽ xuyên qua khu sinh quyển Cần Giờ. Cạnh đó, hiện dự án thành phần này chưa có đánh giá tác động môi trường nên các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ chưa đồng ý làm nhánh rẽ, nút giao nối với Cần Giờ. “TP.HCM đã có báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cho biết sẽ xem xét làm nút từ cao tốc hạ xuống Cần Giờ. Do đó, VEC đề nghị TP.HCM cùng với Bộ GTVT chủ động làm thiết kế trước, giải phóng mặt bằng giữ đất và đến thời điểm thích hợp (có thể là sau khi xong đường cao tốc) thì làm nhánh hạ” - ông Anh nói. Như vậy, với việc có nút giao Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè thì Cần Giờ sẽ nối thông với trung tâm TP.HCM với chưa tới 15 phút chạy xe, khỏi đi lại cách trở bởi phà Bình Khánh. Sở GTVT đưa ra hàng loạt giải pháp tháo gỡ kẹt xe sẽ thực hiện trong năm 2017. Cụ thể là việc tổ chức lưu thông một chiều các cặp đường Hai Bà Trưng - Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Thảo - Lê Quý Đôn; cấm taxi theo giờ trên đường Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng; thu phí đậu xe theo giờ ở trung tâm… Đặc biệt, Sở GTVT kiến nghị khởi động lại dự án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm. |