Quốc hội bàn dự án ngàn tỉ nối Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận

(PLO)- Dự án có chiều dài gần 60 km đi qua ba tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận với tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 30-5, Quốc hội (QH) thảo luận về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. ​Hầu hết các đại biểu (ĐB) đều tán thành nhưng lưu ý cần phải trồng rừng thay thế và bồi thường thỏa đáng cho người dân khi thực hiện dự án.

Các ĐB đồng thuận

Các ý kiến đều xem đây là một trong những dự án giao thông huyết mạch quan trọng, cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, thực hiện đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025 theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá dự án này nếu được đầu tư sẽ hình thành trục giao thông theo hướng bắc - nam của tỉnh Khánh Hòa, kết nối với trục giao thông theo hướng bắc - nam của tỉnh Ninh Thuận, đồng bộ với mạng lưới các trục đường giao thông theo hướng đông - tây hiện có của hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận.

“Tuyến đường sẽ góp phần mở rộng không gian và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ đối với hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa mà còn đối với cả các địa phương khác thuộc hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng” - ĐB Thành nêu.

Về tác động xã hội, ĐB Thành phân tích người dân ở các khu vực mà tuyến đường đi qua có thêm nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo. Đặc biệt, dự án sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu của hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát khỏi huyện nghèo.

Các ĐB khác cũng đồng thuận về chủ trương đầu tư dự án và đề nghị làm rõ hơn tác động của dự án về phương diện chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, thông qua việc phá bỏ tính độc đạo của tuyến đường Tỉnh lộ 9.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng cần có chính sách bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng cần có chính sách bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ảnh: QH

Làm rõ việc trồng rừng thay thế

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng dự án này cần đưa ra QH thảo luận bởi liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Ông An đề nghị cần làm rõ thêm việc sẽ trồng rừng thay thế được tiến hành như thế nào.

Theo ông An, cơ sở dữ liệu, số liệu đánh giá trong tờ trình của Chính phủ cho rằng dự án không tác động trực tiếp đến sinh thái, an toàn, môi trường. Ông đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về cơ sở này, đặc biệt là bảo đảm về giá trị, tính chính xác của các thông số.

ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho hay diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái, không xâm phạm đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên. Dự án cũng không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái rừng, môi trường tự nhiên, môi trường sống của các loài động thực vật và chức năng phòng hộ đầu nguồn của khu vực.

“Tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo phương án trồng rừng thay thế là 223,74 ha tại các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm với tổng mức kinh phí đầu tư là 19 tỉ đồng. Tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết của QH yêu cầu tỉnh Khánh Hòa thực hiện đúng cam kết trồng rừng thay thế theo phương án đã được trình và đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định” - ĐB Trí kiến nghị thêm.

Giải trình về dự án, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay để giảm thiểu tối đa đến rừng tự nhiên thì hướng tuyến của dự án đã xác định mục tiêu này và được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đưa ra ba phương án.

“Theo đó, hướng tuyến được lựa chọn đi vào chủ yếu phân khu rừng phục hồi sinh thái, tránh được phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến rừng tự nhiên cũng như giải phóng mặt bằng, khối lượng đào đắp, phù hợp với cảnh quan môi trường” - Bộ trưởng Dũng nói.

Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân khi thu hồi đất

Ở góc độ khác, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cùng nhiều ĐB khác đề nghị thực hiện dự án phải đảm bảo quyền lợi cho người dân vì đây là dự án có tính chất liên vùng, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng.

Dự án có tổng vốn đầu tư là 1.930 tỉ đồng, ĐB Ngân cho rằng có thể sử dụng vốn trung ương. Theo đó, ngân sách trung ương 2021-2025 có thể dự trù 1.000 tỉ đồng, kế hoạch trung dài hạn 2026-2030 dành cho dự án này là 930 tỉ đồng. ĐB Ngân cho biết đây là con số không lớn nhưng có ý nghĩa quan trọng. Bởi theo ĐB Ngân, nơi đây có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng.

“Cần xem xét hợp lý chi phí 102 tỉ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tôi đề nghị nên áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và QH ủy quyền cho Thường vụ QH xem xét nếu có điều chỉnh các nội dung trong chủ trương quyết định đầu tư” - ĐB Ngân đề xuất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình vấn đề này đã được rà soát, tính toán rất kỹ về tất cả ảnh hưởng, đặc biệt với 211 hộ dân, trong đó 11 hộ dân có nhu cầu tái định cư thì rà soát, xác định khoảng 102 tỉ đồng. “Chúng tôi cho là phù hợp, đảm bảo ổn định được cuộc sống của người dân cũng như phương án tạo sinh kế, việc làm, chuyển đổi nghề cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở đây. Những vấn đề này đã được lưu ý đối với các tỉnh” - ông Dũng giải trình.•

Hơn 1.900 tỉ đồng cho gần 60km dự án

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có chiều dài khoảng 56,9 km đường cấp 3 miền núi. Điểm đầu giao với Quốc lộ 27C tại Km16+900 thuộc địa phận xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh). Điểm cuối tại ranh giới giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận trên đường tỉnh ĐT.656 nối vào đường tỉnh ĐT.707, thuộc Ninh Thuận.

Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.900 tỉ đồng. Trong đó, riêng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trên 101 tỉ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị hơn 1.400 tỉ đồng. Về nguồn vốn cho dự án, ngân sách trung ương chi 1.000 tỉ đồng, nguồn vốn địa phương chi 930 tỉ đồng. Dự án được thực hiện từ năm 2022 đến 2027.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.