Ngày 14-6, với 77,27% đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã đồng ý bổ sung quy định cấm người có nồng độ cồn trong máu, hơi thở điều khiển phương tiện giao thông vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Sau đó, luật này cũng được thông qua với tỉ lệ 84,3%.
“Tha thiết” và rất… cần thiết
Giải trình trước QH về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Nguyễn Thúy Anh “tha thiết” đề nghị QH bổ sung quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” vào luật này.
Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng khi điều khiển phần bấm nút thông qua quy định trên cũng “tha thiết” đề nghị QH phê chuẩn việc bổ sung này.
Theo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, có nhiều ý kiến đề nghị cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Ý kiến khác đề nghị vẫn giữ như hiện nay là chỉ cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông.
“Về vấn đề này, UBTVQH đã thực hiện xin ý kiến các vị ĐBQH hai phương án, trong đó phương án cấm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông là phương án 1. Nhưng các phương án này đều không đạt được trên 50% ĐBQH tán thành” - bà Nguyễn Thúy Anh trình bày.
Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.
Quốc hội đã đồng ý bổ sung quy định cấm người có nồng độ cồn trong máu, hơi thở điều khiển phương tiện giao thông vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cấm uống rượu bia tại nơi làm việc, bến tàu, xe
“Quy định của luật mới sẽ mở rộng không gian, thời gian, đối tượng không được mua bán, uống rượu bia khi tham gia giao thông” - Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết.
Cụ thể, tiếp thu ý kiến của ĐB, luật này dùng khái niệm “nơi làm việc” thay cho “trụ sở” để quy định về địa điểm không uống, không bán rượu bia nhằm đảm bảo tính khả thi và thống nhất.
Cũng có ý kiến đề nghị chỉ quy định không được bán, được uống rượu bia vào giờ làm việc; ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định không uống rượu bia tại cơ sở giáo dục bởi quy định này chưa phù hợp khi áp dụng đối với một số cơ sở giáo dục đại học có quy mô lớn. Với ý kiến này, UBTVQH đã chỉnh lý, bổ sung quy định này theo hướng: Cấm uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập với một số đối tượng. Có ý kiến đề nghị bổ sung địa điểm không được uống rượu bia là nhà ga, bến xe, bến tàu, cảng hàng không; các điểm ăn uống vỉa hè, điểm bán thức ăn nhanh đường phố; các công trình, phương tiện công cộng như bến xe, nhà ga, điểm dừng xe buýt, xe điện ngầm, vỉa hè các tuyến đường giao thông.
Theo UBTVQH, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định khung giờ cấm bán rượu bia để hạn chế việc uống rượu bia. UBTVQH nhận thấy việc quy định khung giờ cấm bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ ngay tại dự thảo luật là cần thiết. Tuy vậy, ĐBQH lại chưa đồng thuận về quy định này.
Mặt khác, việc quy định khung giờ cấm bán rượu bia đã được pháp luật hiện hành quy định về thời gian được phép hoạt động của một số loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ phổ biến có bán rượu bia như quy định hạn chế thời gian hoạt động của cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quầy bar… và có chế tài.
“Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định trên của pháp luật hiện hành, cần thiết sẽ đề xuất biện pháp quản lý chặt chẽ hơn” - bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi và có thể đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với từng địa điểm, dự thảo luật xin được tiếp thu ý kiến của ĐBQH theo hướng giao Chính phủ quy định cấm uống rượu bia ở các địa điểm công cộng khác.
Dưới 18 tuổi không được bán rượu Một số ý kiến đề nghị quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi rượu bia; ý kiến khác đề nghị quy định cấm quảng cáo rượu bia trên báo in và Internet, mạng xã hội. Vấn đề này, UBTVQH đã tiếp thu và “xin phép” chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; cấm khuyến mãi rượu bia có độ cồn từ 15 độ trở lên và cấm sử dụng rượu bia ở mọi loại độ cồn để khuyến mãi cho người chưa đủ 18 tuổi. UBTVQH nhận thấy các hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh là hoạt động thu hút đông người tham gia nên có sức ảnh hưởng và tác động lớn đến người dân, bên cạnh đó do rượu từ 5,5 độ cồn đến dưới 15 độ cồn và bia từ 5,5 độ cồn trở lên có hại hơn rượu bia dưới 5,5 độ cồn nên việc cấm quảng cáo lồng ghép trong các hoạt động trên là cần thiết. Đối với các loại rượu bia không thuộc trường hợp kể trên thì sẽ sử dụng những biện pháp quản lý quảng cáo, khuyến mãi phù hợp theo từng mức độ cồn, tương ứng với từng loại phương tiện quảng cáo; bổ sung quy định cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu bia. Sẽ phạt nghiêm khắc hơn UBTVQH cho biết trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, mức chế tài, xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu bia. |