‘Cảm ơn Quốc hội đã cấm người uống rượu, bia lái xe’

“Việc Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia với quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một cột mốc lớn, một bước tiến dài trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trao đổi với PLOnhư trên liên quan đến việc sáng nay (14-6) Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu, bia.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

.PV: Quy định này theo ông sẽ giúp gì cho cơ quan chức năng ?

+ Ông Trần Hữu Minh: Trước tiên, ở góc độ một cử tri, một người dân, tôi rất cảm ơn Quốc hội đã có một quyết định hợp lý, đúng đắn, mạnh mẽ để giải quyết một vấn đề đang là nỗi nhức nhối trong xã hội.

Quy định này sẽ thiết lập các cơ sở để các cơ quan chức năng hoàn thiện các chế tài xử phạt theo mức độ vi phạm.

.Quy định trên gây nhiều tranh cãi, Quốc hội từng hai lần lấy ý kiến đại biểu nhưng đều không quá bán. Tuy nhiên, sáng nay đa số ĐB Quốc hội bấm nút thông qua. Theo ông vì sao có sự đồng thuận như vậy ?

+ Tôi cho rằng đây là điều bình thường. Khi được cung cấp đủ thông tin, với bằng chứng xác thực và quan trọng là cách thức tổ chức lấy ý kiến phù hợp thì chắc chắn chúng ta sẽ có kết quả phản ánh đúng ý kiến của đại biểu. 

Kết quả thông qua thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc Hội và Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia cũng như sự lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri.

Quốc hội bấm nút thông qua các điều luật. Ảnh: V.LONG

.Nhiều đại biểu QH cho rằng việc thông qua quy định trên sẽ khiến lực lượng thực thi công vụ lạm quyền, “cưa đôi”, không đủ lực lượng để xử phạt... Vậy ông nhận định như thế nào về ý kiến này ?

+ Theo tôi mỗi vấn đề cần phải có một giải pháp đúng, xử lý được nguyên nhân gốc.

Hiện nay vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đang diễn biến phức tạp, các vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia đang gây hậu quả rất lớn. Về bản chất vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe là một loại tội phạm, có tính phổ biến tại Việt Nam nhưng rất tiếc mới chỉ bị xử lý hành chính nếu chưa gây hậu quả. Bởi vậy việc có giải pháp mạnh và hiệu quả để kiểm soát, giảm và tiến tới chấm dứt vi phạm là hết sức cần thiết.

Nhiều quốc gia khác cũng lo ngại tương tự, trước khi có một chính sách nghiêm sắp ban hành thì lo không đủ lực lượng, nhưng khi triển khai nghiêm thì lại không còn nhiều vi phạm do người dân sợ quy định nghiêm của pháp luật nên không vi phạm nữa.

Còn với hiện tượng tiêu cực khi thực hiện nhiệm vụ (nếu có), thì phải có giải pháp khác trong đó có tăng cường giám sát của người dân và báo chí, thanh tra công vụ, ứng dụng khoa học công nghệ....

.Việc quy định cấm lái xe khi đã sử dụng rượu, bia có mới không thưa ông ?

Cần nhấn mạnh không phải đến bây giờ chúng ta mới cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia khi lái xe. Ngay trong Luật Giao thông đường bộ 2008 đã cấm tuyệt đối người lái xe ô tô không được phép uống rượu bia. Tham chiếu với các quy định trên thế giới, thì Luật Giao thông đường bộ thuộc nhóm quy định tiên tiến. Mặc dù có quy định tốt từ 2008, nhưng thực thi còn bất cập, bởi vậy có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới vi phạm quy định về rượu bia gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Với việc vừa thông qua quy định mở rộng đối tượng không được uống rượu bia khi lái xe trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia vừa rồi (với người điều khiển phương tiện giao thông trong đó có cả người đi xe máy) thì Việt Nam đang có quy định thuộc nhóm tiên tiến nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, quy định này chỉ có giá trị nếu được thực thi nghiêm. Bởi vậy trong thời gian tới chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức thực thi, vì điều này sẽ quyết định quy định tiên tiến có đi vào cuộc sống hay không.

.Theo ông tới đây cần quy định như thế nào để xử phạt những người điều khiển xe máy uống rượu, bia ?

+ Thế giới thường đặt vấn đề kiểm soát nồng độ cồn với lái xe cơ giới, do nhóm này có thể gây hậu quả lớn cho xã hội, còn với người tham gia giao thông như đi bộ, hoặc điều khiển phương tiện giao thông phi cơ giới (như xe đạp) thì về cơ bản thế giới không kiểm soát về nồng độ cồn vì rủi ro từ người đi bộ, đi xe đạp tới cộng đồng rất thấp, ngoài ra đi xe đạp và đi bộ là loại hình giao thông rất bền vững cần khuyến khích.

Theo tôi với xe đạp chỉ nhắc nhở, chỉ nên xử phạt nếu tái phạm hoặc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là điểm cần lưu ý khi xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Sắp tới phải chuẩn bị rất nhiều hành lang, hướng dẫn, quy trình pháp lý, hướng dẫn chi tiết, vì trong một số thực phẩm mà chúng ta ăn, và thậm chí nước súc miệng... cũng có nồng độ cồn nhất định do đó chính sách cấm tuyệt đối có thể dẫn tới những tranh cãi pháp lý dai dẳng. Do đó phải có hướng dẫn, quy trình chặt chẽ để triển khai.

Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm