Bài viết 'Tôi tiếc về quy định cấm người uống rượu, bia khi lái xe...' phản ánh ý kiến của các đại biểu (ĐB) Quốc hội liên quan đến biểu quyết của Quốc hội ngày 3-6 về quy định người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia trong dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia. Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) khẳng định “rất tiếc khi cả hai phương án đều không quá bán”.
Bài viết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc.
Bạn đọc KimKy đồng ý với phương án 2 mà Quốc hội đưa ra. Luật xử phạt các hành vi uống rượu bia khi lái xe đã có, cứ vi phạm là phạt nghiêm vào, liên quan đến túi tiền là ai cũng phải sợ thôi. Việc xin xỏ, thỏa thuận “cưa đôi” mức phạt cũng là nguyên nhân làm người uống rượu, bia khi lái xe lờn luật.
Cũng theo bạn PhongHuynh, ở các nước khác trên thế giới, người ta chỉ phạt và cấm lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định luật đã có. Nếu chỉ cần một giọt rượu bia vào người là không được lái xe (như phương án 1) thì tôi thấy không phù hợp với văn hóa xã hội chung của Việt Nam mình.
Theo mong muốn của bạn đọc Da Ni, để hạn chế tác hại của rượu bia thì không chỉ đưa nội dung này vào Luật phòng chống tác hại của rượu bia mà cần tăng nặng hình mức phạt hành chính khi điều khiển phương tiên quá nồng độ cồn và sử dụng chất kích thích. Điều quan trọng hơn nữa là cán bộ cảnh sát giao thông làm việc đúng thẩm quyền và không nhận hối lộ, "cưa đôi" với người vi phạm.
Bạn NgocChau nhìn nhận nếu phương án 2 được đưa vào Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giảm tai nạn giao thông do rượu, bia.
Nhận xét về phát biểu của Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, bạn QuangNhat cho biết: "Không chỉ có đại biểu Bùi Sỹ Lợi tiếc, tôi và rất nhiều người cũng thấy tiếc cho việc quy định người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia không đưa vào trong dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia. Việc này cho thấy chúng ta đang cố phát triển kinh tế, bỏ qua mọi lợi ích để rồi mạng sống người dân vẫn đi sau kinh tế".
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng dù hiện nay trong Luật Giao thông đường bộ đã có quy định người có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép không được điều khiển xe, tuy nhiên khi đã có nói về tác hại của bia, rượu thì rất cần thiết đưa lại nội dung này vào để tính răn đe, tuyên truyền sẽ nặng ký hơn. Nếu loại nội dung đó ra khỏi Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì việc phòng chống tai nạn giao thông do rượu, bia sẽ có nguy cơ bị yếu đi.