Liên quan đến biểu quyết của Quốc hội ngày 3-6 về quy định người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia không đưa vào trong dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) khẳng định “rất tiếc khi cả hai phương án đều không quá bán”.
Theo vị đại biểu (ĐB) Thanh Hóa, khi Quốc hội bàn về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá cũng có nhiều ý kiến nói rằng luật này chỉ là một lời tuyên ngôn. Nhưng thực tế hiện nay không phải vậy. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có vai trò cực kỳ quan trọng.
ĐB Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng dự thảo Luật Phòng chống rượu bia có thể yếu đi vì một số quy định không được thông qua.
“Chúng ta thấy tại hội trường này, nếu không có luật về thuốc lá sẽ thấy rất nhiều người hút thuốc. Nhưng hiện nay ai muốn hút thuốc thì có phòng riêng, tức là nó có chuyển biến. Rượu, bia cũng là một quá trình, nhưng rất tiếc quy định cấm uống rượu, bia khi lái xe không đưa vào được trong dự luật…”, ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Ông cũng khẳng định các vụ tai nạn giao thông phần lớn do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra. Trước kỳ họp thứ 7, ĐB đã đề nghị Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này nhằm giúp Chính phủ có biện pháp “cứng” để ngăn chặn các vụ tai nạn do rượu, bia. Đồng thời, Nghị quyết có hiệu lực đến khi Quốc hội ban hành Luật phòng chống tác hại rượu, bia. Đây là mong muốn, nhưng các phương án đều không quá bán.
“Việc “gắp” quy định người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia tôi có cảm giác rằng dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia sẽ “yếu” đi… Bên cạnh đó, nếu một trong hai phương án được thông qua sẽ đồng bộ các luật hiện hành hơn”, ĐB nhận định.
Về một số quy định về quảng cáo rượu bia không được bàn trong dự luật, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết hiện nay các quy định về quảng cáo đã có trong Luật Thương mại, Luật Quảng cáo nên không đưa vào nữa. “Nếu đưa vào sợ chồng chéo, xung đột…”, ông Lợi giải thích.
Ngược lại, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), khẳng định chọn phương án 2. Đối với phương án 1, ĐB cho rằng sẽ có tác động rất lớn, đặc biệt đối với người dân, vì trong mối quan hệ cộng đồng hiện nay với nhiều lễ hội, đám cưới, tiệc tùng, sinh nhật… phần lớn đều uống rượu, bia và sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển. Nếu uống một chút cũng xử phạt thì lực lượng công an không đủ để xử phạt.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng hai phương án đều không quá bán thì thực hiện theo luật hiện hành.
“Theo tôi, thời điểm này quy định uống rượu, bia lái xe bị xử phạt là chưa phù hợp. Khi nào ý thức người dân cao hơn thì chúng ta mới cấm… Nên phương án 2 là phù hợp”, ĐB Hòa nêu quan điểm
Đối với hai phương án đều không quá bán và đương nhiên sẽ bị “gắp” khỏi dự luật, ĐB Đồng Tháp nhận định sẽ không ảnh hưởng đến dự Luật phòng chống tác hại rượu, bia. Vì hiện nay quy định sử dụng rượu, bia lái xe mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Các đại biểu chưa đồng thuận đưa vào luật này thì áp dụng luật hiện hành.
“Tôi nghĩ các vị ĐB Quốc hội cho ý kiến vấn đề này hết sức khách quan, cũng căn cứ nhiều yếu tố, tình hình thực tiễn của đất nước mình. Nếu không đạt thì thực hiện theo quy định hiện hành…”, ông Hòa nhấn mạnh.
Hai phương án không quá bán Trước đó, ngày 4-6, Quốc hội xin ý kiến hai phương án để đưa vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Phương án 1: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn (tức đã uống rượu, bia không được điều khiển giao thông). Phương án 2: Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông. |