Sáng ngày 13-11, Quốc hội (QHO đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.
4 tỉnh, thành đều có tiềm năng bứt phá
Theo báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng thí điểm cho 4 tỉnh, thành là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị.
Việc ban hành các Nghị quyết được xây dựng dựa trên căn cứ thực tiễn, cơ chế đặc thù đang được áp dụng đối với TP.HCM, Đà Nẵng, TP Hà Nội. Qua sơ kết đánh giá, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), tạo tác động lan tỏa vùng miền.
UBTVQH cũng nhận thấy 4 địa phương trên có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế. Trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, có tiềm năng nhưng chưa có cơ chế bứt phá.
Các ĐBQH bấm nút thông qua một số Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành: Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế
Thừa Thiên - Huế là cố đô có bề dày lịch sử, đặc thù văn hóa song năng lực tài chính rất hạn chế. Còn Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác thì sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.
Theo đó, UBTVQH đề nghị QH cho phép ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng thí điểm cho 4 tỉnh, thành trên.
UBTVQH cũng cho biết trên cơ sở Nghị quyết của Bộ Chính trị, thời gian tới Quốc hội cũng xem xét việc áp dụng cơ chế đặc thù đối với Cần Thơ để tạo động lực phát triển khu vực Tây Nam bộ. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thí điểm sẽ nhân rộng, bảo đảm có cơ chế, chính sách phổ quát áp dụng trên diện rộng, trong phạm vi toàn quốc.
Bốn tỉnh thành thí điểm được hưởng cơ chế vượt trội
Về cơ chế cụ thể, cả bốn tỉnh được hưởng một số cơ chế đặc thù về ngân sách, tài chính như: được vay vốn thông qua phát hành trái phiếu địa phương, vay từ các tổ chức trong nước, vay lại nguồn vay nước ngoài của Chính phủ; được ngân sách Trung ương bổ sung hàng năm; Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Về nội dung này, UBTVQH cho biết việc quy định mức trần dư nợ vay đối với các địa phương là nhằm tạo dư địa cho các địa phương chủ động huy động nguồn lực, trên cơ sở tổng kết sẽ xác định mức phù hợp.
Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, căn cứ nhu cầu huy động, dự kiến khả năng thu, khả năng hấp thụ vốn, khả năng trả nợ của từng địa phương, hằng năm QH quyết định mức vay cho từng địa phương, bảo đảm điều tiết hợp lý, công bằng.
Về việc HĐND các tỉnh thành được ban hành phí, lệ phí chưa có trong Danh mục; khoản thu từ phí tham quan của tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBTVQH cho rằng điều này cần thiết. Nguồn thu này để đảm bảo linh hoạt, kịp thời, bao quát hết nguồn thu phát sinh trên địa bàn, góp phần tăng cường nguồn lực cho địa phương để chi an sinh xã hội.
UBTVQH đề nghị việc ban hành mới các khoản phí, lệ phí phải có lộ trình phù hợp với thực tế, không tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch; không ảnh hưởng đến các địa phương khác.
Về quản lý quy hoạch cho các địa phương, UBTVQH nhấn mạnh một trong những mục tiêu khi ban hành Luật Quy hoạch là bảo đảm tính thống nhất quy hoạch trên cả nước. Do đó, các quy định trong Nghị quyết chỉ cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị, không cho phép điều chỉnh quy hoạch tổng thể nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất trong quy hoạch chung…
Ngoài ra các Nghị quyết cũng cho phép các địa phương thực hiện thí điểm một số cơ chế cụ thể khác. Cụ thể, Hải Phòng cũng được tự quyết định nâng mức thu nhập của cán bộ, công chức viên chức trên cơ sở thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương.
Thanh Hoá, Nghệ An được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa theo hạn mức cụ thể. Huế được thành lập Quỹ bảo tồn di sản để phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn…