Quốc hội không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ
Sáng 17-11, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu (ĐB) QH về vấn đề có nên tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thành hai luật và chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an hay không.
62,7% phiếu phản đối tách luật
Kết quả có 302 ĐBQH không đồng ý tách Luật GTĐB thành hai luật là Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB, chiếm 62,7% tổng số ĐBQH. Tuy nhiên, có 110 ĐBQH tán thành việc tách luật này.
Về vấn đề có chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp GPLX từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an hay không, chỉ có 86 ĐB đồng ý. Còn lại, 321 ĐBQH (chiếm 66,74%) không tán thành.
Đối với nội dung cuối cùng được lấy ý kiến ĐBQH là chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 QH nhiệm kỳ sau (khóa XV) đã có 251 ĐBQH tán thành.
Ngay sau khi QH khóa XIV bế mạc kỳ họp thứ 10, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về kết quả kỳ họp.
Học viên thi sát hạch lý thuyết lái xe ô tô tại một trung tâm sát hạch ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trả lời câu hỏi của PV: “Đây là bước tiến hay lùi trong công tác lập pháp?” khi mà dự án luật này vấp phải những phản ứng mạnh mẽ nhất từ ĐBQH và Ủy ban Thường vụ QH đã phải phát phiếu lấy ý kiến các ĐBQH; ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng “đây là cả tiến, cả lùi”. Theo ông Phúc, các dự án luật đều bảo đảm đúng quy trình, đáp ứng đủ các điều kiện trình ra QH. Tuy nhiên, quá trình thảo luận, ý kiến các ĐBQH cho thấy cần có thêm thời gian xem xét, đánh giá kỹ lưỡng các dự án luật. “Chúng tôi rất cầu thị” - ông Phúc nói và nhấn mạnh - “Đây mới là bước cho ý kiến, chưa phải bước thông qua”.
Ông Phúc cũng đánh giá việc phát phiếu xin ý kiến ĐBQH ngay từ vòng 1 (cho ý kiến) là sự “đổi mới”. “Phát biểu ở hội trường chỉ được một số ĐB nêu ý kiến, tổng số gần 500 ĐBQH, làm sao biết những ý kiến khác như thế nào. Vì thế có phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH, ý kiến này chuyển cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh…” - ông Phúc nói.
Liên quan đến “số phận” hai dự án Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm TTATGTĐB, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ tới trình một luật hay hai luật là do Chính phủ quyết định.
Bước tiến và lùi trong hoạt động lập pháp?
Tại buổi họp báo, báo chí cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan QH đồng ý tách Luật GTĐB thành hai dự án luật. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho hay theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ QH, QH quyết định đưa dự án luật vào chương trình.
Với dự án Luật GTĐB sửa đổi, tại kỳ họp thứ 9, QH quyết định đưa vào chương trình và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10. Giữa hai kỳ họp, theo quy định, Ủy ban Thường vụ QH có quyền điều chỉnh, đưa dự án cấp bách vào chương trình làm luật. Theo ông Giang, trên cơ sở kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ủy ban Quốc phòng - An ninh tham mưu cho Ủy ban Thường vụ QH, sau đó Ủy ban Thường vụ QH đã quyết định tách làm hai luật…
“Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đã kết luận: Khi Ủy ban Thường vụ QH quyết định đưa dự án luật vào chương trình đã đặt ra rất nhiều vấn đề, nhiều yêu cầu đối với cơ quan soạn thảo, với Chính phủ” - ông Giang nói thêm.
Với việc Ủy ban Thường vụ QH quyết định xin ý kiến ĐBQH để làm cơ sở chỉnh lý dự án luật, ông Giang đánh giá đây là cách làm rất đúng, theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thể hiện tính dân chủ và sự quyết định chung của pháp luật.
Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng việc các ĐB tranh luận là rất bình thường. “Tôi cho rằng có lùi và có tiến” - ông Hồng nói.
Ông Hồng đánh giá lùi ở chỗ lâu nay khi một dự án luật được đưa vào chương trình, được thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và sẽ được thông qua. Nhưng lần này không như vậy, nên nếu so với trước đây là lùi.
Cũng theo ông Hồng, trong hoạt động lập pháp có tồn tại câu chuyện về chất lượng dự án luật. Vì vậy, tiến ở chỗ thái độ của các ĐBQH tranh luận, thảo luận để đi đến thống nhất xin ý kiến ĐBQH thể hiện trách nhiệm, cách làm việc thực hiện đổi mới của QH. “Sau này, trách nhiệm liên quan đến hoạt động này phải có rút kinh nghiệm” - ông Hồng nói thêm.
10/19 thành viên Chính phủ từng không đồng ý tách luật
Giữa năm 2019, Bộ Công an đề xuất tách Luật GTĐB ra thành hai dự luật là Luật GTĐB và Luật Bảo đảm TTATGTĐB, đồng thời dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Ban đầu, Bộ Công an đề xuất luật này chỉ quy định về hệ thống biển báo hiệu, tốc độ, khoảng cách giữa các xe, quy tắc giao thông, quản lý phương tiện và người lái…, không đề cập đến việc quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Tháng 9-2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là đơn vị đầu tiên có văn bản gửi lên lãnh đạo Bộ GTVT, Vụ Pháp chế với đề nghị không xây dựng Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Nguyên nhân, những quy định trên có mối quan hệ biện chứng, gắn kết, không thể tách rời và phải thống nhất trong một cơ quan quản lý nhà nước là ngành giao thông. Dù gặp sự phản ứng của ngành giao thông, đầu năm 2020 Bộ Công an vẫn trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật trên. Đến tháng 3-2020, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có văn bản “cơ bản đồng ý về sự cần thiết phải xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT” nhưng không được chồng chéo, trùng lặp Luật GTĐB sửa đổi. Song song thời điểm này, Bộ GTVT cũng tổng kết Luật GTĐB 2008. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ QH bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ đề nghị rút ngắn thời gian trình dự luật sang năm 2020 nhưng vẫn giữ phạm vi điều chỉnh Luật GTĐB, chờ Chính phủ quyết định có tách Luật GTĐB không. Đầu tháng 8-2020, Bộ GTVT và Bộ Công an lần lượt trình Chính phủ lại Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm TTATGTĐB (luật mới). Trong đó, Bộ Công an đề xuất thay Bộ GTVT quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Trên cơ sở này, Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về việc tách Luật GTĐB và giao Bộ Công an quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Theo đó, 11/19 thành viên Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. 10/19 thành viên Chính phủ không đồng ý tách luật. Ngày 12-8, Thủ tướng đồng ý tách Luật GTĐB ra thành hai luật và trình QH cho ý kiến. VIẾT LONG