Quốc hội Mỹ sắp kiểm phiếu đại cử tri, Cộng hòa tổng tấn công

Ngày 6-1 (giờ địa phương), Quốc hội (QH) Mỹ sẽ họp lưỡng viện để kiểm và xác nhận lần cuối phiếu bầu đại cử tri trước khi chính thức công bố tân tổng thống nhiệm kỳ tới. Thông thường thủ tục kiểm phiếu ở QH lâu nay chủ yếu chỉ mang tính hình thức, ít được chú ý. Tuy nhiên, sự kiện lần này lại được dư luận quan tâm bởi Tổng thống Donald Trump cùng một số đồng minh Cộng hòa tuyên bố sẽ tiếp tục thách thức kết quả bầu cử, bất chấp chuỗi thất bại pháp lý thời gian qua.
 
Tiêu điểm
140

hạ nghị sĩ Cộng hòa dự kiến sẽ đứng ra phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở một loạt bang khác nhau vào ngày 6-1, đài CNN dẫn lời hạ nghị sĩ của bang Virginia Denver Riggleman khẳng định. Con số này thậm chí sẽ còn cao hơn tùy vào tình hình và diễn biến cuộc họp.
Không có cái gọi là “đại cử tri thay thế”
Theo quy định của hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, với vai trò là chủ tịch Thượng viện, sẽ chủ trì cuộc họp ngày 6-1. Trong trường hợp ông Pence vắng mặt chủ trì thì có thể ủy quyền lại cho chủ tịch Thượng viện tạm quyền là thượng nghị sĩ Chuck Grassley.

Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện Kevin McCarthy (trái) cùng một số thành viên Cộng hòa cấp cao khác trong một cuộc họp báo ở QH ngày 28-12-2020. Ảnh: CNBC 

Về quy trình kiểm phiếu, QH sẽ đi lần lượt từng bang theo thứ tự bảng chữ cái. Tới bang nào thì trợ lý sẽ đưa cho ông Pence để ông hô to lên, sau đó toàn bộ nghị sĩ dự họp tiến hành biểu quyết xem có chấp nhận số phiếu đại cử tri của bang đó không. Ở đây, tờ The New York Times nhận định sẽ xuất hiện một số kịch bản một khi phe ông Trump bắt đầu triển khai kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu. 
Kịch bản đầu tiên, ông Pence thay vì kiểm phiếu đại cử tri do chính quyền các bang gửi lên sẽ chọn kiểm các “phiếu bầu thay thế” của đảng Cộng hòa. Cụ thể, vào ngày 14-12-2020 khi đại cử tri các bang bỏ phiếu thì chi bộ đảng Cộng hòa ở một số bang (chủ yếu là ở các bang chiến địa từng bị ông Trump cáo buộc gian lận phiếu) cũng tự đề cử một nhóm đại cử tri riêng để bỏ phiếu cho ông Trump và gửi kết quả này lên QH. Dù vậy, The New York Times cho rằng kịch bản trên khó xảy ra bởi luật pháp Mỹ đã có quy định rõ ràng về vấn đề này. Theo Đạo luật kiểm phiếu đại cử tri (Electoral Count Act) được thông qua năm 1877, phó tổng thống và QH chỉ được kiểm các phiếu đã có chữ ký xác nhận của thống đốc bang. 
Từ đó đến nay, chỉ có đúng một trường hợp có liên quan đến đạo luật này xảy ra trong kỳ bầu cử tổng thống năm 1960 giữa ứng viên Cộng hòa Richard Nixon và ứng viên Dân chủ John F. Kennedy. Thời điểm đó, kết quả kiểm phiếu phổ thông ban đầu cho thấy ông Nixon là người thắng ở bang Hawaii, giành được ba phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, do kết quả quá sít sao, chênh lệch giữa hai ứng viên chỉ khoảng 140 phiếu phổ thông nên tòa án bang yêu cầu kiểm phiếu lại. Tuy nhiên, thời điểm kiểm phiếu lại rất cận ngày QH nhóm họp nên hai đảng tự tổ chức cho đại cử tri bầu riêng, thống đốc bang ký duyệt cho cả hai bên rồi gửi đi cả hai kết quả. Sau khi kết quả kiểm phiếu lại cho thấy ông Kennedy mới là người chiến thắng, QH chọn chấp nhận phiếu đại cử tri của đảng Dân chủ.
Đảng Cộng hòa lên kế hoạch nộp đơn khiếu nại
Đến kịch bản thứ hai, khi QH tiến hành biểu quyết chấp nhận phiếu đại cử tri của từng bang thì các nghị sĩ Cộng hòa sẽ đứng ra phản đối bằng cách nộp văn bản khiếu nại kết quả lên cho ông Pence. Để văn bản này có hiệu lực cần phải có chữ ký của ít nhất một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ. Tiếp đó, Thượng viện và Hạ viện sẽ tiến hành tranh luận riêng trong khoảng 2-3 tiếng trước khi biểu quyết tán thành hay không tán thành khiếu nại. Nếu hai viện cùng tán thành thì phiếu của bang bị khiếu nại sẽ bị bỏ qua, chờ giải quyết sau. 
Ngày 15-12-2020, hạ nghị sĩ Cộng hòa Mo Brooks là người đầu tiên công khai tuyên bố sẽ nộp đơn khiếu nại. 15 ngày sau, thượng nghị sĩ Josh Hawley tuyên bố sẽ tham gia đơn khiếu nại của ông Brooks. Đến ngày 2-1, một nhóm 11 nghị sĩ Cộng hòa khác do thượng nghị sĩ Ted Cruz dẫn đầu “tiếp lửa”, cũng ra tuyên bố chung sẽ khiếu nại kết quả ở một số bang mà ông Biden giành chiến thắng dù không nói tên cụ thể và yêu cầu Thượng viện lập một ủy ban khẩn cấp để rà soát lại phiếu của những bang này trong vòng 10 ngày. 
The New York Times cho biết trên thực tế, việc thành lập ủy ban để giải quyết tranh chấp phiếu bầu đã từng có tiền lệ. Cụ thể, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1876 giữa ứng viên Cộng hòa Rutherford Hayes và ứng viên Dân chủ Samuel Tilden, ông Tilden giành được 184 phiếu đại cử tri, thiếu đúng một phiếu để giành chiến thắng theo quy định thời đó, trong khi ông Hayes chỉ giành được 165 phiếu. Tranh chấp sau đó xuất hiện khi cả hai ứng viên đều tuyên bố chiến thắng ở ba bang Florida, Louisiana và South Carolina, tương đương 20 phiếu đại cử tri. QH khi đó giải quyết bằng cách lập ra một ủy ban gồm nghị sĩ từ hai đảng và các thẩm phán từ Tòa án Tối cao để rà soát lại. Cuối cùng, ủy ban kết luận ông Hayes mới là người chiến thắng và trao toàn bộ 20 phiếu đại cử tri cho ông. 
Cơ hội thành công của đảng Cộng hòa?
Hiện chưa rõ QH sẽ phản ứng ra sao trước các đơn khiếu nại từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa, tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại thì khả năng thành công của đảng này được đánh giá là khá thấp. Trước hết, đảng Dân chủ hiện vẫn đang kiểm soát Hạ viện nên chắc chắn cơ quan này sẽ không tán thành bất kỳ đề nghị nào của phe Cộng hòa. Về phía Thượng viện, lãnh đạo phe Cộng hòa ở đây là thượng nghị sĩ Mitch Mcconnell đã chính thức gửi lời chúc mừng tới tổng thống tân cử Joe Biden và từ tháng 12 đã nhiều lần kêu gọi các đồng nghiệp trong đảng không nên có bất kỳ động thái thách thức kết quả bầu cử nào nữa vì vừa không đem lại lợi ích gì, vừa ảnh hưởng đến hình ảnh của đảng. 
Hơn nữa, việc Tòa án Tối cao Mỹ trước đó đã bác bỏ vụ kiện bốn bang Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin do tổng chưởng lý bang Texas dẫn đầu với sự tham gia của các tổng chưởng lý từ 17 bang khác cùng 126 hạ nghị sĩ Cộng hòa cũng có thể xem là đòn trí mạng đánh vào mọi ý định hay kế hoạch thách thức của phe ông Trump trở về sau. Nếu một nỗ lực với quy mô lớn như thế còn không thể thành công thì đảng Cộng hòa thực sự khó có thể trông mong vào kế hoạch khiếu nại ở QH sắp tới.•
 Lo ngại biểu tình ngày kiểm phiếu, Mỹ kích hoạt Vệ binh quốc gia
Đài ABC News ngày 5-1 đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ đã chấp thuận yêu cầu của Thị trưởng thủ đô Washington, D.C. Muriel Bowser về việc kích hoạt lực lượng Vệ binh quốc gia nhằm hỗ trợ công tác giữ gìn an ninh trật tự ngày QH họp kiểm phiếu đại cử tri. 
Theo kế hoạch, khoảng 300 binh sĩ Vệ binh quốc gia được điều động sẽ không mang theo vũ khí và chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng cảnh sát địa phương. Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) cũng sẽ cử nhân sự tham gia hỗ trợ cảnh sát trong phạm vi xung quanh Nhà Trắng. 
ABC News cho biết hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Donald Trump, hàng chục ngàn người ủng hộ đang chuẩn bị đổ dồn về thủ đô nhằm phản đối “gian lận bầu cử” và ngăn QH công nhận ông Joe Biden là tân tổng thống. Trong số những người dự định xuống đường có nhiều nhóm cực hữu công khai tuyên bố sẽ mang theo vũ khí. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm