Ngày 24-1 tại Philippines, Thượng viện đã thông qua Nghị quyết 931 ủng hộ chính phủ kiện Trung Quốc (TQ) ra tòa án trọng tài thành lập theo Điều 287 và Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển.
Theo báo Business Mirror, nghị quyết khẳng định đây là phương cách hòa bình để giải quyết tranh chấp ở biển Đông phù hợp với Nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về biển Đông, Hiệp ước thân thiện và hợp tác của ASEAN và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.
Hôm trước đó, Hạ viện đã thông qua Nghị quyết 3004 kêu gọi toàn dân bảo vệ lãnh thổ và khẳng định Philippines không còn con đường nào khác ngoài việc khởi kiện.
Nghị quyết nêu rõ: “Thông qua đường chín đoạn, TQ không chỉ vi phạm chủ quyền của Philippines mà còn vi phạm chủ quyền của các quốc gia ven biển khác tại biển Đông. TQ cũng đã liên tiếp vi phạm quyền thực thi pháp luật của Philippines bằng những hành động khiêu khích liên tiếp”.
Ngày 3-2-2000, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Orlando Mercado đã từng tố cáo ngư dân TQ khai thác san hô ở bãi cạn Scarborough, vi phạm quyền lợi của Philippines. Ảnh: southseaconversations.wordpress.com
Các đảng phái đối lập ở Philippines hoàn toàn ủng hộ hành động của chính phủ.
Nghị sĩ Danilo Suarez, thủ lĩnh phe thiểu số ở Hạ viện, phát biểu: “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, dù là phe thiểu số…, nhưng khi đụng chạm đến chủ quyền lãnh thổ, chúng tôi luôn đứng về phía tổng thống”.
Nghị sĩ Rufus Rodriguez, Chủ tịch đảng Dân chủ ôn hòa, khẳng định tuyên bố chủ quyền của TQ không có căn cứ theo luật pháp quốc tế và sự kiện Philippines kiện TQ sẽ thúc đẩy ngăn chặn xung đột vũ trang.
Nghị sĩ Ben Evardone kêu gọi chính phủ thuê các luật sư tầm cỡ trong và ngoài nước, các chuyên gia xuất sắc nhất, các nhà lịch sử am hiểu về tranh chấp lãnh hải.
Trước đó, Phó Tổng thống Jejomar C. Binay và Liên minh Dân tộc Thống nhất (cầm quyền) đã tuyên bố ủng hộ quyết định kiện TQ. Ông Binay kêu gọi TQ ghi nhận quyền tài phán của tòa án trọng tài và hy vọng TQ công nhận bất cứ phán quyết nào của tòa án để thúc đẩy hòa bình trong khu vực.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Manila ngày 24-1, người phát ngôn tổng thống Edwin Lacierda đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ hôm trước nói Philippines chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Người phát ngôn thắc mắc: “Làm thế nào để giải quyết một tình huống mà họ cứ cứng rắn và ngoan cố tuyên bố về thuyết đường chín đoạn ở biển Đông không tồn tại trong luật pháp quốc tế? Nơi giải quyết tốt nhất chính là tòa án trọng tài, bên thứ ba, nơi sử dụng pháp quyền và giải pháp trên nền tảng các quy tắc để giải quyết tranh chấp”.
Ông nói Philippines đã tìm cách giải quyết tranh chấp biển Đông thông qua ngoại giao và chính trị nhưng bất thành, và bây giờ chỉ còn con đường pháp lý.
Theo báo Inquirer, người phát ngôn tổng thống cho biết Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đồng ý với ông Manuel Roxas II, Bộ trưởng Nội vụ và Chính quyền địa phương của Philippines, rằng vụ Philippines kiện TQ sẽ không làm hủy hoại quan hệ hai nước.
Ngày 24-1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Philippines khởi kiện TQ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul: Philippines kiện TQ về vấn đề biển Đông là quyền hợp pháp của Philippines. GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc): “Ý nghĩa to lớn đầu tiên của vụ kiện là phản kháng lại quan điểm tuyệt đối không quốc tế hóa vấn đề tranh chấp biển Đông của TQ”. TS Ian Storey (Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Singapore): “Cái được lớn nhất của Philippines trong vụ kiện TQ là ý nghĩa về mặt tinh thần”. |
DUY KHANG - LÊ LINH