Quốc hội quyết: Một giấy nhà đất!

Số dự án chậm tiến độ những năm qua tăng liên tục, từ 9,2% trong năm 2005 lên gần 17% năm 2008. Đây là lý do chính để Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi một loạt luật, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm cải cách thủ tục, thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng các dự án, công trình.

Hôm qua (19-6), ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai và Luật Nhà ở). Luật này có hiệu lực ngay từ 1-8-2009.

Nhà đất chỉ còn một giấy

Về nội dung sửa Luật Đất đai và Luật Nhà ở liên quan đến gộp giấy đỏ, giấy hồng, chủ trương một giấy đã được nhất trí với đa số ý kiến tán thành. Tuy nhiên, tiếp thu góp ý của các đại biểu QH, tên gọi của giấy này được sửa từ “GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất” thành “GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Khi thảo luận, nhiều đại biểu QH đề nghị không nên quy định bắt buộc đăng ký quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH cho rằng, vì đất đai là sở hữu toàn dân, việc cấp GCN quyền sử dụng đất là bắt buộc để ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Đối với nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy tờ chứng minh sự tạo lập hợp pháp là giấy tờ gốc chứng nhận quyền sở hữu, do đó, không bắt buộc phải có chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy, luật quy định rõ chỉ khi chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất có yêu cầu thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới xác nhận quyền sở hữu và ghi các nội dung chứng nhận quyền sở hữu này vào GCN.

Cơ quan tài nguyên môi trường làm đầu mối

Khi đưa ra trình, dự án luật đề xuất cơ quan đầu mối làm thủ tục cấp GCN là “Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, chức năng này được giao cho cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường ở cấp tỉnh và cấp huyện. Đây sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục trình UBND cùng cấp để cấp GCN. Chính phủ quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Luật cũng khẳng định, các loại GCN đã cấp trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành (1-8-2009) vẫn có giá trị pháp lý, không phải đổi lại nếu không có nhu cầu. Trường hợp người đã được cấp GCN có nhu cầu thì được đổi sang loại giấy mới theo quy định của luật này mà không phải nộp lệ phí.

Người dân sẽ đỡ vất vả hơn khi giấy đỏ và giấy hồng được gộp lại thành một. Trong ảnh: Làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: HTD
Người dân sẽ đỡ vất vả hơn khi giấy đỏ và giấy hồng được gộp lại thành một. Trong ảnh: Làm thủ tục giấy tờ nhà đất tại xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: HTD

Bộ Xây dựng không mất quyền

Tại phiên thảo luận ngày 8-6, một đại biểu QH cho rằng chưa nên sửa Luật Đất đai và Luật Nhà ở về nội dung gộp giấy đỏ, giấy hồng. Một trong những lý do ông đưa ra là vì Luật Nhà ở có hai nội dung rất quan trọng: Một, quyền tạo lập và quyền sở hữu về nhà ở của công dân; Hai, quyền quản lý nhà nước về nhà ở của Bộ Xây dựng. Theo đại biểu này, tạm ví Bộ Xây dựng đi hai chân, bây giờ cắt phần công nhận quyền sở hữu nhà ở, khác gì còn một chân. Hơn nữa, giao việc cấp giấy về cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Bộ Xây dựng có còn quản lý về hồ sơ nhà ở được không...

Giải trình về ý kiến này, UBTVQH cho rằng việc thống nhất cấp một loại GCN cho đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất, giao một cơ quan làm đầu mối thực hiện vẫn bảo đảm quyền quản lý nhà nước về nhà ở của ngành xây dựng thông qua việc lập quy hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch thực hiện và việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở, ban hành các quy định, tiêu chuẩn quản lý chất lượng nhà ở, công tác thanh tra...

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm