Quốc hội sẽ quyết áp dụng luôn hay tiếp tục thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Đà Nẵng

(PLO)- Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng tại kỳ họp tháng 5-2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-4, tại phiên họp thứ 32, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2024 đối với 11 dự án, dự thảo.

Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024) ba dự án, dự thảo, trong đó hai dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Cụ thể, Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng (Nghị quyết 119) và Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Bo-truong-tu-phap-Le-Thanh-Long.jpeg
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119. Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật nhận thấy tờ trình của Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 nhưng trong nội dung thì đề nghị các chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị được áp dụng chính thức (không thí điểm) từ ngày 1-7-2026.

“Nội dung này không chỉ mâu thuẫn với chủ trương ‘thí điểm’ như tên gọi của Nghị quyết mà còn không hợp lý về chính sách, vì đã là thí điểm thì phải có tổng kết, đánh giá trước khi xem xét, quyết định cho áp dụng chính thức” - theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chu-nhiem-UBPL-Hoang-Thanh-Tung15-4.jpeg
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, nhóm các chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng cũng có cách tiếp cận khác với đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 để quy định nội dung này, thay vì ban hành nghị quyết mới.

Về vấn đề này, quá trình thảo luận, Uỷ ban Pháp luật có hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Như vậy, mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cạnh đó, Chính phủ đã sơ kết ba năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và đã có báo cáo trình Quốc hội, trong đó đánh giá việc thí điểm cơ bản là phù hợp, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do vậy, đề nghị dự thảo Nghị quyết không quy định tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà cho thực hiện chính thức ngay từ thời điểm Nghị quyết có hiệu lực…

Ý kiến này đề nghị chỉnh lý tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng”.

Trong khi đó, ý kiến khác trong Uỷ ban Pháp luật lại đề nghị không quy định áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2026 mà thực hiện thí điểm đến khi Quốc hội có quyết định khác.

“Ủy ban Pháp luật kính đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo” - ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, cơ quan thẩm tra tán thành đề nghị của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ 7 theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.

Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý tên gọi Nghị quyết thành Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, để phân biệt với Nghị quyết 36/2021 hiện hành và phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay Chính phủ đề nghị bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 với Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Còn tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024), Chính phủ đề nghị bổ sung đối với tám dự án, trong đó bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp đối với dự án dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Đồng thời, Chính phủ xin bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với sáu dự án: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, (2) Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), (3) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), (4) Luật Công nghiệp công nghệ số, (5) Luật Nhà giáo, (6) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025), Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến chín dự án mới, bao gồm: (1) Luật Cấp, thoát nước; (2) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (3) Luật Dẫn độ; (4) Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; (5) Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; (6) Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; (7) Luật Quản lý phát triển đô thị; (8) Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); (9) Luật Đường sắt (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2025), trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất bổ sung vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với 100% ý kiến tán thành.

Đáng chú ý, Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung ba dự án vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024 trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5-2024 theo quy trình một kỳ họp và theo trình tự thủ tục rút gọn.

Về dự kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết dự kiến có 23 dự án luật cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, phần lớn các nội dung đã có sự đồng thuận, có bảy dự án còn có ý kiến khác nhau, cần tiếp tục xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội..

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm