Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối duyên hải miền Trung với Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.
Theo nhiều tài xế đường dài, quốc lộ 19 là một trong những tuyến giao thông nguy hiểm nhất do có mật độ lưu thông cao nhưng mặt đường quá hẹp, lại hư hỏng nặng. Nhiều đoạn đường hẹp đến mức khó lưu thông cùng lúc hai làn xe. “Phần lớn tài xế đều khá căng thẳng khi lái xe trên quốc lộ 19 do đường quá hẹp, nhiều đoạn hư hỏng, địa hình phức tạp. Tài xế không có kinh nghiệm có lẽ phải vừa chạy xe vừa run” - ông Trần Quang Khả (TP Quy Nhơn), lái xe khách đường dài chạy tuyến Quy Nhơn - Pleiku, than.
Quốc lộ 19 đoạn qua đèo An Khê (thị xã An Khê, Gia Lai) vừa hẹp vừa hư hỏng nặng. Ảnh: TẤN LỘC
Theo ông Bùi Tô Hoài, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý Đường bộ 5, quốc lộ 19 có hơn 30 km đường rất xấu, nhiều cầu yếu phải làm đường tránh tạm. Trong khi đó, mỗi năm nguồn kinh phí dành cho sửa chữa quốc lộ 19 chỉ 40 triệu đồng, riêng năm vừa qua không có đồng nào.
Ông Hoài cho biết thêm: Dự án nâng cấp quốc lộ 19 đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện các bộ, ngành đã thống nhất đầu tư xây dựng đoạn từ cảng Quy Nhơn đến điểm giao nhau với quốc lộ 1A theo hướng tuyến mới với chiều dài 17,4 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng kinh phí gần 6.000 tỉ đồng. Đối với đoạn từ ngã tư cầu Gành (Bình Định) đến cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) dài 221 km, dự kiến đầu tư nâng cấp thành đường cấp 3, nền đường 12 m, mặt đường 7 m với hai làn xe và gia cố lề mỗi bên rộng 2 m.
“Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ cho tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư dự án xây dựng quốc lộ 19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến điểm giao với quốc lộ 1A. Đoạn này sẽ đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó ngân sách tỉnh chi trả khoảng 800 tỉ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư” - ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thông tin. Riêng đoạn từ điểm giao với quốc lộ 1A đến cửa khẩu Lệ Thanh, theo Bộ GTVT, vấn đề nan giải nhất hiện nay là chưa tìm được nguồn vốn để nâng cấp.
TẤN LỘC