Sự bất an biến thể Delta Plus với tên khoa học là AY.4.2. mang lại đang ngày càng lớn. Xuất hiện trên đài NBC ngày 24-10, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) - TS Rochelle Walensky cho biết CDC đang “rất thận trọng” quan sát đường đi của biến thể này. Theo bà, một lý do để CDC tăng sự chú ý với biến thể Delta Plus là vì tốc độ lây lan nhanh của nó ở Anh.
Phát ngôn từ lãnh đạo CDC Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Cơ quan An ninh y tế Anh thông báo thêm biến thể Delta Plus vào danh sách các biến thể của virus SARS-CoV-2 cần được theo dõi điều tra.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở thủ đô London (Anh) hồi tháng 1. Ảnh: AFP
Delta Plus nguy hiểm mức nào?
Anh là quốc gia đầu tiên phát hiện biến thể Delta Plus và cũng là nước có số ca nhiễm biến thể này nhiều nhất tính đến thời điểm này. Sau Anh, hiện có ít nhất 27 nước khác như Israel, Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Đan Mạch và Nga cũng đã phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta Plus.
Theo đài CNN, Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ) nhiều tháng qua đã tiến hành giải mã trình tự gen của 56 biến thể phụ của biến thể Delta và phát hiện ra biến thể Delta Plus vào khoảng tháng 7.
Đặc điểm của biến thể Delta Plus là mang tất cả đặc điểm của biến thể Delta cùng các đột biến mới Y145H, A222V và K417N trong tế bào gai. Cả ba đột biến này vốn từng được tìm thấy trên một số biến thể của virus SARS-CoV-2 trước đây nhưng hầu hết biến thể này chưa từng lây lan mạnh nên ít được chú ý. Hiện các chuyên gia vẫn chưa rõ hai đột biến Y145H và A222V ảnh hưởng thế nào đến khả năng lây nhiễm của biến thể Delta Plus và cần phải nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, đột biến K417N khi xuất hiện trong biến thể Beta và Gamma lại giúp các biến thể này kháng được vaccine một cách đáng kể.
Ngoài ra, tờ Financial Times dẫn lời Giám đốc Viện Di truyền học thuộc ĐH London (Anh) Francois Balloux cho rằng biến thể Delta Plus có thể lây nhiễm nhanh hơn biến thể Delta khoảng 10%-15%.
Về triệu chứng bệnh, TS Chandrakant Lahariya thuộc ĐH Gajara Raja (Ấn Độ) cho biết dựa trên các bằng chứng hiện có thì triệu chứng khi nhiễm biến thể Delta Plus không khác lắm so với nhiễm biến thể Delta. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy các bệnh nhân nhiễm biến thể Delta Plus có thể có những triệu chứng như ho khan, sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ, phát ban, đau họng, viêm kết mạc, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực khó thở, mất tiếng, suy giảm thính lực. Sự khác biệt lâm sàng duy nhất cho đến nay theo TS Lahariya là biến thể Delta Plus có thể có khả năng chống lại liệu pháp kháng thể đơn dòng.
Delta Plus sẽ vượt mặt Delta?
Đến thời điểm này, Tổ chức Y thế Thế giới (WHO) vẫn chưa xếp Delta Plus vào danh sách các biến thể đang được điều tra hoặc các biến thể cần đặc biệt quan tâm. Điều này đồng nghĩa với việc biến thể này có thể chưa đạt được những thay đổi di truyền ở mức nguy hiểm làm gia tăng đáng kể khả năng lây nhiễm, khả năng trở nặng của bệnh nhân, khả năng lẩn tránh được hệ miễn dịch và nguy cơ kháng được phác đồ điều trị. Dĩ nhiên, thực trạng này có thể thay đổi nếu biến thể Delta Plus có bước đột phá bất ngờ và lây lan mạnh trên toàn cầu.
Hiện các nước này đang theo dõi chặt chẽ hướng lây nhiễm của biến thể này. Tại Israel tuần trước, Thủ tướng Naftali Bennett họp khẩn với giới chức y tế nước này để thảo luận về biện pháp ứng phó với biến thể Delta Plus, theo trang tin The Times of Israel. Bộ Y tế Israel sau đó được yêu cầu tiến hành điều tra dịch tễ học và theo dõi tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2, đặc biệt chú ý các biến thể phụ của Delta đã xuất hiện tại Israel và giữ liên lạc thường xuyên với các nước cũng đã phát hiện biến thể phụ này.
Trong khi đó ở Nga, trao đổi với hãng thông tấn RIA, chuyên gia Kamil Khafizov thuộc Viện Vật lý và Công nghệ Nga cảnh báo rằng chính quyền Moscow cần có biện pháp kiểm soát nhanh chóng biến thể Delta Plus trong bối cảnh ca nhiễm mới ở Nga tăng cao kỷ lục nhiều ngày gần đây. Chuyên gia này dự đoán rằng về lâu dài, biến thể Delta Plus sẽ vượt mặt biến thể Delta.
Tuy nhiên, theo quan điểm của giới chức y tế Anh, Mỹ và Úc, vẫn còn quá sớm để nói rằng các đột biến mới trong biến thể Delta Plus có thể giúp biến thể này vượt mặt biến thể Delta gốc.
Ngày 24-10, Giám đốc CDC Mỹ - TS Walensky nhấn mạnh rằng vẫn chưa thể xác định biến thế Delta Plus có khả năng lây nhiễm mạnh hơn hay có kháng vaccine không.
Điều đáng mừng là giới khoa học hiện vẫn khẳng định rằng vaccine vẫn có hiệu quả cao với biến thể Delta cũng như với các biến thể phụ của nó, kể cả biến thể Delta Plus.•
160 là số biến thể của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận trên toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại, theo một nghiên cứu đăng trên cổng thông tin chính thức của Viện Y tế quốc gia Mỹ. Trong số này, 105 biến thể là dạng hiếm gặp khi chỉ lây cho khoảng 1% dân số thế giới. Điều này cho thấy khả năng sinh ra một biến thể nguy hiểm như Delta từ quá trình đột biến liên tục của virus SARS-CoV-2 là tương đối thấp. |
Nguy cơ truyền virus từ người đã tiêm vaccine giảm 63%-73% Ngày 23-10, chuyên trang khoa học Technology Networks dẫn kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc ĐH Strathclyde (Anh) cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca giúp làm giảm lần lượt tới 90% và 91% nguy cơ tử vong ở những người từng xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng sau đó vẫn được tiêm đủ hai liều. “Với việc Delta hiện là biến thể nguy hiểm nhất ở nhiều nơi trên thế giới và có nguy cơ khiến người nhiễm tử vong cao hơn những biến thể khác, thật yên tâm khi thấy rằng việc tiêm chủng đầy đủ mang lại khả năng bảo vệ khỏi tử vong cao như vậy ngay sau liều thứ hai” - GS Chris Robertson thuộc ĐH Edinburgh (Anh) nhận xét. Trong khi đó, tạp chí New Scientist dẫn một nghiên cứu khác do Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ và giám sát các bệnh truyền nhiễm Hà Lan (CESIDN) công bố ngày 14-10 chỉ ra rằng người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 dù vẫn có nguy cơ nhiễm biến thể Delta nhưng giảm được tới 63% khả năng truyền virus sang người khác, nhất là sang người chưa tiêm. Đối với biến thể Alpha, con số này còn ấn tượng hơn - lên tới 73%. |