Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan muốn Mỹ làm rõ về việc Washington bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Pashinyan cáo buộc những máy bay này đang ném bom vào dân thường trong bối cảnh giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tiếp tục diễn ra tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
Tiêm kích F-16 (trái) và cường kích Su-25. Ảnh: REUTERS/AFP
Theo thông tin đăng trên báo The New York Times, hôm 1-10, Thủ tướng Pashinyan có cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Advisor Robert O'Brien. Ông Pashinyan nói rằng Washington cần làm rõ có hay không chuyện nước này cung cấp tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ để ném bom các ngôi làng và dân thường.
Theo ông Pashinyan, ông O’Brien đã “nghe thấy và chấp nhận” lời than phiền của ông và hứa sắp xếp một cuộc gọi với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, cuộc trao đổi này không diễn ra khi ông Trump thông báo nhiễm COVID-19 ngay sau đó.
Về cáo buộc của Armenia, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều cực lực bác bỏ.
Armenia lâu nay khẳng định rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan không chỉ dừng ở việc ủng hộ về mặt ngoại giao và tuyên truyền. Những ngày gần đây, các quan chức Armenia nhiều lần cáo buộc Ankara triển khai lính đánh thuê Syria tới Nagorno-Karabakh cũng như triển khai tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất để yểm trợ cho binh sĩ Azerbaijan.
Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những lực lượng không quân lớn nhất trong khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ước tính sở hữu 245 máy bay F-16C/D do công ty Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ lắp ráp trong nước.
Giao tranh giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia bùng phát trở lại tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh hôm 27-9. Hai bên đổ lỗi cho nhau khai hỏa trước.
Khu vực này, phần lớn dân là người Armenia nhưng được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan bị Armenia chiếm đóng trái phép. Nhiều cuộc xung đột quân sự đã xảy ra tại đây trong ba thập niên qua. Tuy nhiên, cuộc đụng độ lần này đặt ra “mối đe dọa hiện hữu” do có sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Pashinyan cho biết.
Armenia luôn cảnh giác Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ do cuộc diệt chủng người Armenia của Đế chế Ottoman hồi thế kỷ 20 khiến 1,5 triệu người thiệt mạng mà còn do sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao lâu nay đối với Azerbaijan.
Theo giới chức Armenia, các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ đang chỉ huy các hoạt động không quân của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. Tuần trước, quân đội Armenia nói rằng một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một cường kích Su-25 của họ khiến phi công thiệt mạng.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bác cáo buộc của Armenia. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quân đội Azerbaijan có khả năng tự mình chiến đấu. Trong khi đó, Azerbaijan cũng cho rằng các tuyên bố của Armenia là “dối trá và khiêu khích”, nhấn mạnh không quân nước này không có chiếc F-16 nào.