Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu Mỹ-Nga-Pháp về xung đột Armenia-Azerbaijan

Mỹ, Nga và Pháp kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Azerbaijan nói rằng ba nước này không nên có vai trò gì trong các cuộc hòa đàm, theo kênh DW.

Trong một tuyên bố chung phát đi hôm 1-10, Tổng thống các nước Mỹ, Nga và Pháp kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Lực lượng Azerbaijan lái xe tăng bọc thép. Ảnh: DW

Ba nước lên án sự leo thang bạo lực gần đây và kêu gọi hòa bình tại khu vực tranh chấp này.

Trong tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên án sự leo thang bạo lực gần đây dọc đường tiếp xúc ở khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.

“Chúng tôi xót xa việc nhiều người đã thiệt mạng và gửi lời chia buồn tới những gia đình có người thiệt mạng và bị thương. Chúng tôi kêu gọi lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa các quân đội có liên quan” – tuyên bố có đoạn.

Ba nước kêu gọi Azerbaijan và Armenia “ngay lập tức cam kết khôi phục các cuộc đàm phán thực chất bằng thiệt chí và không có điều kiện tiên quyết dưới sự bảo trợ của OSCE”.

Trong cuộc điện đàm tối 30-9, Tổng thống Pháp Macron và người đồng cấp Nga Putin nhất trí cần thiết phải có một lệnh ngừng bắn. Tuyên bố chung của họ cùng với phía Mỹ được ban hành vài giờ sau đó vào ngày 1-10.

Phát biểu riêng hôm 1-10, ông Macron cho hay Azerbaijan đã khơi mào cuộc xung đột gần đây với Armenia.

Cả Pháp và Nga lo ngại việc lính đánh thuê Syria được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tới vùng Nagorno – Karabakh. Hôm 30-9, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố hối thúc các nhà lãnh đạo của những nước liên quan thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn việc sử dụng quân khủng bố nước ngoài và lính đánh thuê trong cuộc xung đột”. 

Đáp lại lời kêu gọi của Mỹ, Nga và Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng ba nước này không nên tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

“Do Mỹ, Nga và Pháp đã phớt lờ vấn đề này gần 30 năm nay nên không thể chấp nhận chuyện họ tham gia tìm kiếm một lệnh ngừng bắn” – Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói tại quốc hội nước này hôm 1-10.

Ông Erdogan nói rằng một lệnh ngừng bắn lâu dài có thể đạt được chỉ khi “những kẻ chiếm đóng Armenia” rút khỏi khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng phủ nhận chuyện đưa lính đánh thuê tới khu vực này, song nói thêm sẽ làm những gì cần thiết để ủng hộ Azerbaijan.

Hơn 100 người, kể cả dân thường đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, trong đó có hai nhà báo Pháp kể từ khi giao tranh bùng phát giữa Azerbaijan và Armenia hôm 27-9.

Mỹ, Nga và Pháp đồng chủ tịch Nhóm Minsk vốn do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thành lập năm 1992, nhằm khuyến khích nghị quyết hòa bình, đã được đàm phán về tranh chấp ở vùng Nagorno-Karabakh. Khu vực này được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng đa số dân ở đây là người Armenia. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm