Khi xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh tiếp tục leo thang nghiêm trọng, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sát cánh cùng Azerbaijan. Trong khi đó, Nga cảnh báo các quốc gia khác không nên đổ thêm dầu vào lửa.
Xung đột leo thang nghiêm trọng, Armenia thề đáp trả mạnh
Bộ Quốc phòng Armenia hôm 29-9 cho biết pháo binh và máy bay của Azerbaijan tấn công một căn cứ quân sự ở Armenia và một xe buýt dân sự trở thành mục tiêu trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV), theo đài RT.
Theo ông Artsrun Hovhannisyan, đại diện Bộ Quốc phòng Armenia cho biết lực lượng Azerbaijan đã tấn công những người không tham chiến tại thị trấn biên giới Vardenis của Armenia hôm 29-9.
Một cuộc tấn công pháo binh của Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Ảnh: Azerbaijani Defence Ministry/AFP
Nếu thông tin trên chính xác, diễn biến này đánh dấu một sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc xung đột, như một cuộc tấn công trực tiếp vào Armenia.
Vị quan chức trên đăng tải lên mạng xã hội những gì ông nói là tài liệu về hiện trường sau một cuộc tấn công bằng UAV của Azerbaijan. Ông Hovhannisyan khẳng định: “Thật may, không ai bị thương”.
Theo quân đội Armenia, một đơn vị quân sự ở Vardenis cũng bị hỏa lực pháo binh từ bên kia tấn công.
Những diễn biến này dường như làm tăng mức độ tức giận của Armenia đối với Azerbaijan. Bà Shushan Stepanyan – phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Armenia cảnh báo Baku nên chuẩn bị cho một đòn đáp trả mạnh mẽ.
Binh sĩ Armenia sẽ buộc phải sử dụng vũ khí rất mạnh nhằm tiêu diệt binh sĩ cũng như khí tài quân sự của đối thủ. Đây được coi là phản ứng tương xứng việc lực lượng Azerbaijan sử dụng súng phun lửa hạng nặng, pháo binh nòng lớn và pháo phản lực bắn loạt, bà Stepanyan nhấn mạnh.
Azerbaijan cảnh báo phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Armenia
Hôm 29-9, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cảnh báo quân đội nước này sẽ phá hủy hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Armenia nếu hệ thống này được triển khai ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, theo hãng tin TASS.
Hệ thống phòng không S-300. Ảnh: ANADOLU
“Theo tình báo của chúng tôi, các hệ thống tên lửa S-300 bảo vệ không phận Yeveran đã được đặt trong tình trạng báo động và đang tiến về vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh. Chúng tôi tuyên bố rằng chúng sẽ chịu chung số phận với khí tài quân sự của quân đội Armenia bị phá hủy ở Nagorno-Karabakh” – người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azerbaijan - ông Vagif Dargahli cảnh báo.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ Azerbaijan
Hôm 29-9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo Ankara sẽ sát cánh cùng Azerbaijan khi đối mặt với những gì ông mô tả là “sự gây hấn của Armenia”. Ông Cavusoglu còn đề nghị hỗ trợ cả về mặt ngoại giao lẫn quân sự, theo đài RT.
Phát biểu sau chuyến thăm đại sứ quán Azerbaijan tại Ankara, ông Cavusoglu cho hay cách duy nhất để giao tranh chấm dứt là Yeveran không còn chiếm đóng Nagorno-Karabakh nữa.
“Chúng tôi đã nói về sự gây hấn của Armenia và đã chia sẻ suy nghĩ của mình về cách giải quyết. Biện pháp duy nhất đó là: Armenia sẽ rút khỏi các vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng. Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc về sự toàn vẹn lãnh thổ của Azerbaijan đã rõ ràng” – ông Cavusoglu nói.
Hôm 28-9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ quan điểm tương tự.
Nga yêu cầu "không đổ thêm dầu vào lửa"
Theo hãng tin Sputnik, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hối thúc Armenia và Azerbaijan trở lại bàn đàm phán. Ông Peskov nhấn mạnh rằng những quốc gia khác không nên đổ thêm dầu vào lửa giữa lúc xảy ra đụng độ ở Nagorno-Karabakh.
Một binh sĩ ở Nagorno-Karabakh khai hỏa vào các vị trí của Azerbaijan hôm 28-9. Ảnh: AFP
“Trước hết, Điện Kremlin thấy rằng cần ngừng bắn ngay lập tức. Bất kỳ tuyên bố nào về việc ủng hộ quân sự hay hoạt động quân sự chắc chắn chỉ đổ thêm dầu vào lửa mà thôi. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này và chúng tôi không đồng ý với việc giải quyết vấn đề theo cách này” – ông Peskov nói.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia, đặc biệt là những người đồng cấp của chúng tôi chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ làm mọi thứ để thuyết phục các bên đối lập ngừng bắn và trở lại giải quyết cuộc xung đột kéo dài này thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao” – ông Peskov nói.
Giao tranh nổ ra hôm 27-9 khi binh sĩ Azerbaijan và Armenia khai hỏa lẫn nhau. Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan nhưng bị người Armenia chiếm đóng. Azerbaijan xem Nagorno-Karabakh bị Armenia chiếm đóng trái phép.
Hai bên đã sử dụng pháo binh hạng nặng, xe tăng, bệ phóng tên lửa và máy bay không người lái tấn công lẫn nhau trong vài ngày qua, dẫn đến thương vong cho cả dân thường.
Cả Armenia và Azerbaijan tuyên bố thiết quân luật và huy động quân đội. Baku cho hay nước này đã chiếm một vài ngôi làng ở Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, Yeveran nói rằng những vùng lãnh thổ bên ngoài khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đều bị bắn phá.