Hôm 1-10, khi Bắc Kinh tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc thì phong trào biểu tình ở Hong Kong bước sang một bước ngoặt mới: Biểu tình bất chấp lệnh cấm của chính quyền Hong Kong, bạo lực gia tăng và lần đầu tiên kể từ khi phong trào biểu tình diễn ra, cảnh sát đã bắn đạn thật làm một người biểu tình trọng thương.
Đằng sau biểu tình Hong Kong
Đến nay, phong trào biểu tình không còn nhằm vào dự luật dẫn độ. Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã chính thức quyết định rút lại dự luật này từ hôm 4-9.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), ví von: Dự luật dẫn độ vốn chỉ là “cọng rơm cuối làm gãy lưng con lạc đà” khiến phong trào biểu tình Hong Kong bùng phát. Nguyên nhân sâu xa và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất khiến phong trào biểu tình ngày càng leo thang chính là người dân muốn tự chủ trong việc bầu đặc khu trưởng Hong Kong.
“Thay vì tổ chức bỏ phiếu bầu ra đặc khu trưởng Hong Kong theo hình thức bỏ phiếu đại cử tri, với gần 1.200 người đại diện được phép quyết định ai sẽ lãnh đạo chính quyền Hong Kong (như việc bầu ra Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga hồi năm 2017 - PV), người dân Hong Kong hiện nay mong muốn tất cả người dân Hong Kong được đi bỏ phiếu bầu. Nói cách khác, người Hong Kong muốn phổ thông đầu phiếu” - TS Nguyễn Thành Trung lý giải.
Sở dĩ người biểu tình đấu tranh để phổ thông đầu phiếu là vì hiện nay, họ cho rằng các đặc khu trưởng được bầu theo hình thức đại cử tri đều có quan điểm thân Bắc Kinh. Điều đó khiến người Hong Kong dễ đối mặt với những vấn đề mà họ cho là “rủi ro tiềm ẩn” như dự luật dẫn độ mà chính quyền của bà Lâm đã đề xuất và chỉ hủy bỏ khi bị phản ứng mạnh.
Hiện người biểu tình đang có nhiều động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu. Thứ nhất, vấn đề Hong Kong hiện trên danh nghĩa là chuyện nội bộ của Trung Quốc nhưng các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Anh và nhiều thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cũng đặc biệt quan tâm. Tất cả họ đều có những lý do riêng để bày tỏ quan điểm công khai về Hong Kong, trong đó chủ yếu ủng hộ phong trào biểu tình. Thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong đã lần lượt đến Đức, Mỹ để bày tỏ quan điểm của nhiều người biểu tình: Chào đón sự can dự của phương Tây.
“Tôi nghĩ việc giới lập pháp, dân biểu tình phương Tây và chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ phong trào biểu tình hòa bình, không bạo lực ở Hong Kong sẽ phần nào thúc đẩy người biểu tình tiếp tục xuống đường” - TS Nguyễn Thành Trung nhận định.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Hong Kong hôm 1-10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Trung Quốc và Hong Kong gặp khó khăn
Nhìn nhận về vấn đề Hong Kong, TS Nguyễn Thành Trung cho rằng hiện rất khó có thể tìm ra giải pháp để chấm dứt cuộc biểu tình Hong Kong. Bởi lẽ mâu thuẫn giữa chính phủ Bắc Kinh, chính quyền Hong Kong đối với người biểu tình là rất khó gỡ.
Chính quyền Hong Kong sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đối thoại với người biểu tình nhằm chấm dứt đợt biểu tình đã kéo dài gần bốn tháng qua. Tổng thư ký Hành chính Hong Kong MATTHEW CHEUNG nói hôm 1-10 |
Hôm 1-10, phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình tuy không đề cập biểu tình Hong Kong nhưng vẫn khẳng định: “Chính phủ trung ương sẽ duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài ở Hong Kong và Macau, cũng như sẽ theo đuổi nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.
TS Nguyễn Thành Trung nhận định: “Tôi cho rằng phát biểu của ông Tập chỉ mang tính ngoại giao và dự báo Bắc Kinh sẽ chưa vội vàng đưa quân đội vào trấn áp người biểu tình. Tuy nhiên, họ sẽ có biện pháp mạnh hơn so với giai đoạn trước khi Trung Quốc tổ chức ngày Quốc khánh. Cụ thể, Bắc Kinh không muốn làm ảnh hưởng ngày lễ trọng đại này, còn nay đã hoàn tất tốt đẹp chương trình, Trung Quốc sẽ rắn hơn”.
Cũng theo ông Trung, chính phủ Bắc Kinh sẽ thúc đẩy và chính quyền Hong Kong sẽ gia tăng việc bắt giam, xử lý các trường hợp biểu tình sử dụng bạo lực hay gây rối. Người biểu tình sẽ đối mặt với sự mạnh tay hơn từ cảnh sát nếu họ tiếp tục sử dụng các biện pháp nguy hiểm, không an toàn trong các cuộc tuần hành.
Có ý kiến cho rằng giải pháp cấp bách nhất hiện nay chính quyền Hong Kong có thể làm chính là Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức theo yêu cầu người biểu tình. “Tôi cho rằng giải pháp này không hiệu quả. Dù bà Lâm hay bất kỳ ai hiện nay làm đặc khu trưởng cũng phải chịu áp lực từ hai phía là Bắc Kinh và người biểu tình” - TS Nguyễn Thành Trung nhận định.
Như vậy, sẽ không có chuyện chính phủ Trung Quốc, chính quyền Hong Kong vì áp lực biểu tình chấp nhận một Hong Kong bầu cử theo đầu phiếu phổ thông. Trong khi đó, việc người biểu tình chọn đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc để leo thang biểu tình cho thấy ít nhất thời điểm hiện tại, họ quyết tâm đòi sự tự quyết lớn hơn trong việc chọn ai làm lãnh đạo đặc khu. Đó là một bài toán nan giải cho người biểu tình lẫn chính quyền Bắc Kinh.
Một người biểu tình bị bắn, cảnh sát nói gì? Hôm 1-10, biểu tình Hong Kong khiến 47 trạm tàu điện, 25 trung tâm mua sắm phải đóng cửa. Theo báo South China Morning Post, ít nhất 6.000 cảnh sát đã được triển khai đối phó biểu tình ngày 1-10. Đặc biệt, có một nam sinh 18 tuổi bị trúng đạn từ cảnh sát. Người phát ngôn cảnh sát Hong Kong Yolanda Yu Hoi-kwan cho biết: “… một nhóm đông người bạo loạn không ngừng tấn công cảnh sát dù cảnh sát cảnh cáo họ ngừng lại. Một cảnh sát bị đe dọa tính mạng nghiêm trọng và anh ta đã nổ súng vào người tấn công mình để tự vệ. Cảnh sát không muốn bất cứ ai bị thương, vì thế chúng tôi cảm thấy rất buồn về chuyện này”. |