Hôm nay, 1-10, là quốc khánh thứ 70 của Trung Quốc và tình hình Hong Kong với gần bốn tháng biểu tình đang rất được chú ý.
Theo báo SCMP, chính quyền Hong Kong không cấp phép cho bất kỳ cuộc tụ tập hay hoạt động nào của người biểu tình để không gây ảnh hưởng đến ngày quốc khánh.
Căng mình chờ biểu tình
Từ tối 30-9, hàng chục trung tâm mua sắm lớn khắp Hong Kong đã đóng cửa, nhiều trung tâm mua sắm còn lại cũng sẵn sàng đóng cửa nếu tình hình hôm nay, 1-10, quá hỗn loạn.
Cảnh sát chống bạo động sẵn sàng đối phó biểu tình ở Hong Kong cuối tuần rồi. Ảnh: SCMP
Nhiều tòa cao ốc và tòa nhà văn phòng ở trung tâm và cả các trụ sở chính quyền được dựng thêm nhiều bức tường bảo vệ bên ngoài. Phía ngoài trụ sở Ngân hàng Trung Quốc được bao lại bằng một lớp màng nhựa mỏng, có thể để ngăn bị phá hoại. Nhiều tòa nhà làm việc cho di chuyển hết thùng rác bên ngoài để người biểu tình không phá hoại.
Tối 30-9, đại diện sân bay và hệ thống tàu điện thông báo sẽ ngưng một số hoạt động trong ngày 1-10.
Tổ chức Bảo vệ Hong Kong với 380 thành viên chủ trương ủng hộ chính phủ Trung Quốc có kế hoạch huy động 10.000 người tình nguyện bảo vệ các lá cờ quốc gia được treo khắp Hong Kong.
Người biểu tình tập trung ở Causeway Bay trong một đợt biểu tình trước. Ảnh: SCMP
Theo SCMP, năm nay, buổi lễ kéo cờ mừng quốc khánh với sự tham dự của hàng trăm quan chức và công chức chính quyền Hong Kong sẽ được tổ chức bên trong trung tâm hội nghị và trưng bày, chứ không phải ngoài trời như những năm trước.
“Bước ngoặt” biểu tình
6.000 cảnh sát được triển khai để đối phó với các kế hoạch “rất, rất nguy hiểm” của người biểu tình. Một chiến dịch an ninh biển-không-bộ được thực hiện để bảo vệ các công trình quan trọng như trung tâm hội nghị và trụ sở văn phòng liên lạc Bắc Kinh. Các phương tiện giải tán biểu tình như vòi rồng đã sẵn sàng.
Họp báo ngày 30-9, ông Tạ Chấn Trung - Giám đốc Phòng quan hệ công chúng của lực lượng cảnh sát Hong Kong cho rằng hành động của người biểu tình gần với mức “khủng bố”.
“Với sự leo thang về cường độ và quy mô bạo lực trong ba tháng qua, rõ ràng có những dấu hiệu bạo lực phức tạp sẽ còn leo thang trong tương lai gần. Mọi hành động này là một bước tiến gần đến khủng bố” - SCMP dẫn lời ông Tạ Chấn Trung nói.
Cảnh sát chống bạo động bắt người biểu tình trong một đợt biểu tình trước đó. Ảnh: SCMP
Dẫn các thông tin tình báo và các thông điệp người biểu tình đưa trên mạng xã hội, ông Tạ cảnh báo có thể sẽ có bạo lực nghiêm trọng trong ngày quốc khánh Trung Quốc.
Ngày 30-9, một số đại diện biểu tình cũng tổ chức họp báo, bác bỏ phát ngôn của phía cảnh sát rằng hành động của họ chẳng khác gì khủng bố, cáo buộc cảnh sát cố tình bôi nhọ họ.
“Người Hong Kong biết rõ những kẻ khủng bố thật sự là ai. Là cảnh sát” - SCMP dẫn lời một nữ đại diện biểu tình có che mặt tự giới thiệu mình là bà Chan. Bà Chan cáo buộc cảnh sát lạm dụng quyền lực trong cuộc biểu tình ngày 29-9 mà bà cho là đã bị can thiệp giải tán thậm chí khi cuộc biểu tình chưa bắt đầu.
Trạm tàu điện bị đốt trong một đợt biểu tình. Ảnh: SCMP
Người biểu tình kêu gọi cư dân Hong Kong bỏ qua lệnh cấm của cảnh sát và tập trung tuần hành hòa bình từ 1 giờ chiều hôm nay. Các đại diện biểu tình cũng nói ngày 1-10 sẽ là một bước ngoặt của phong trào chống chính quyền, vì họ cho là chính phủ Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp có thể để đối phó.
Cuộc biểu tình của người dân Hong Kong xuất phát từ việc phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm qua xét xử tại các nước Hong Kong không ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Người biểu tình đưa ra năm yêu cầu cho chính quyền Hong Kong, trong đó không chỉ rút bỏ dự luật dẫn độ mà còn phải điều tra cáo buộc cảnh sát dùng bạo lực với người biểu tình, cải cách bầu cử…
Biểu tình Hong Kong đã kéo dài gần bốn tháng. Ảnh: SCMP
Trước sức ép biểu tình, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thông báo rút bỏ dự luật nhưng người biểu tình tuyên bố sẽ chỉ chấm dứt xuống đường một khi chính quyền đáp ứng cả năm điều kiện trên.