Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu dài chỉ 7 phút tại buổi lễ kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70. Đứng giữa hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, ông Tập nhanh chóng đề cập đến chủ đề Hong Kong - vốn đã gần bốn tháng chìm trong biểu tình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng giữa hai người tiền nhiệm Giang Trạch Dân(phải) và Hồ Cẩm Đào (trái) tại quảng trường Thiên An Môn sáng nay 1-10. Ảnh: SCMP
Không đề cập cụ thể đến đợt biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong, tuy nhiên ông Tập khẳng định chính phủ trung ương sẽ duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài ở Hong Kong và Macau, cũng như sẽ theo đuổi nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.
Ông Tập đứng trên một chiếc xe limousine chống đạn thị sát diễu binh, sau khi hoàn tất bài phát biểu 7 phút. Ảnh: SCMP
Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga thời điểm này đang ở Bắc Kinh tham dự lễ kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc chính thức, CNN đưa tin.
Cùng đi với bà Lâm sang Bắc Kinh có phái đoàn 240 thành viên từ mọi lĩnh vực của Hong Kong. Bà Lâm sẽ trở về Hong Kong tối nay.
Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (giữa, hàng thứ hai) đứng cùng các quan chức Trung Quốc tại cổng Thiên An Môn ở Bắc Kinh trước khi lễ diễu binh kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70 bắt đầu sáng nay, 1-10. Ảnh: REUTERS
Người chủ trì buổi lễ mừng quốc khánh sáng nay tại Hong Kong là ông Matthew Cheung - Tổng Thư ký hành chính Hong Kong, nhân vật quan trọng thứ hai tại TP này sau bà Lâm.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Cheung cho biết chính quyền Hong Kong sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đối thoại với người biểu tình nhằm chấm dứt đợt biểu tình đã kéo dài gần bốn tháng qua.
Tổng Thư ký hành chính Hong Kong Matthew Cheung (thứ ba bên phải) phát biểu trong lễ kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc 1-10. Ảnh: AFP
Theo SCMP, chính quyền Hong Kong không cấp phép cho bất kỳ cuộc tụ tập hay hoạt động nào của người biểu tình để không gây ảnh hưởng đến ngày quốc khánh.
Bất chấp lệnh cấm của cảnh sát, người biểu tình kêu gọi người dân Hong Kong xuống đường tuần hành hòa bình từ 1 giờ chiều hôm nay.
Họp báo ngày 30-9 các đại diện biểu tình cũng nói ngày 1-10 sẽ là một bước ngoặt của phong trào chống chính quyền, vì họ cho là chính phủ Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp có thể để đối phó.
Cảnh sát Hong Kong đang căng mình trước đợt biểu tình lớn chiều nay 1-10. Ảnh: SCMP
Hiện 6.000 cảnh sát được triển khai để đối phó với các kế hoạch “rất, rất nguy hiểm” của người biểu tình. Một chiến dịch an ninh biển-không-bộ được thực hiện để bảo vệ các công trình quan trọng như trung tâm hội nghị và trụ sở văn phòng liên lạc Bắc Kinh.
Các phương tiện giải tán biểu tình, như vòi rồng đã sẵn sàng.