Ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này sẵn sàng làm sâu sắc quan hệ “hữu nghị và hợp tác” với Afghanistan, trong bối cảnh lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, hãng tinAFP cho biết.
“Taliban đã nhiều lần bày tỏ hy vọng phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, và họ mong muốn Trung Quốc tham gia vào quá trình tái thiết và phát triển Afghanistan” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo ngày 16-8.
“Chúng tôi hoan nghênh điều này. Trung Quốc tôn trọng quyền của người dân Afghanistan được tự quyết định vận mệnh của mình và sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Afghanistan” – bà Hoa khẳng định.
Các tay súng Taliban. Ảnh: AFP
Bà Hoa kêu gọi Taliban “đảm bảo một quá trình chuyển tiếp quyền lực suôn sẻ” và giữ lời hứa sẽ đàm phán thành lập một “chính phủ Hồi giáo cởi mở và hòa nhập”, đồng thời đảm bảo sự an toàn của công dân Afghanistan lẫn công dân nước ngoài.
Cũng theo bà Hoa, dù Trung Quốc đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Afghanistan từ nhiều tháng trước do lo ngại tình hình an ninh xấu đi, thời điểm này đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul vẫn hoạt động.
Trong thông báo ngày 16-8, đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul đề nghị công dân Trung Quốc còn ở Afghanistan “theo dõi chặt tình hình an ninh” và ở trong nhà.
Trung Quốc đến lúc này vẫn không chính thức công nhận Taliban là lãnh đạo mới của Afghanistan. Tuy nhiên trong lần tiếp phái đoàn Taliban ở TP Thiên Tân tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá Taliban là một “lực lượng quân sự và chính trị quyết định”.
Theo AFP, Trung Quốc đã muốn duy trì quan hệ không chính thức với Taliban trong thời gian Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Trung Quốc chia sẻ đường biên giới dài 76 km với Afghanistan. Trung Quốc từ lâu vẫn lo ngại rằng Afghanistan có thể trở thành một địa điểm ẩn náu của các phần tử ly khai người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trong cuộc gặp với ông Vương tại Thiên Tân hồi tháng trước, phía Taliban đã hứa sẽ không để Afghanistan trở thành một căn cứ của các phần tử ly khai chống Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc đã đưa ra một số đề nghị hỗ trợ kinh tế và đầu tư cho việc tái thiết Afghanistan.
Trực thăng Chinook của Mỹ bay bên trên đại sứ quán Mỹ ở Kabul (Afghanistan) ngày 15-8. Đại sứ quán Trung Quốc vẫn hoạt động tại Kabul, dù Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây khẩn trương di tản nhân viên sứ quán. Ảnh: AP
Theo AFP, chuyện Taliban kiểm soát Afghanistan mở ra một cánh cửa chiến lược cho Trung Quốc với cả cơ hội và rủi ro.
Việc Afghanistan có được sự ổn định sau hàng thập niên chiến tranh sẽ có lợi cho Trung Quốc, trong bối cảnh nước này muốn đảm bảo an ninh biên giới và bảo vệ các khoản đầu tư hạ tầng chiến lược ở các nước láng giềng Pakistan - vốn phục vụ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.
Một chính phủ Kabul ổn định và hợp tác sẽ mở đường tiến tới mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đến Afghanistan, và kéo qua các nước Trung Á, nhiều nhà phân tích đánh giá.
Gánh nặng với Trung Quốc là Taliban có thể xem nước này là một nguồn đầu tư và nguồn hỗ trợ kinh tế chủ chốt – dù trực tiếp hay thông qua Pakistan vốn là nhà bảo trợ chính của Taliban và là đồng minh thân thiết của Trung Quốc.