Ngày 25-3, Đức Giáo hoàng Francis đã kêu gọi tín đồ Công giáo trên toàn thế giới cùng ông cầu nguyện cho nhân loại có đủ sức mạnh vượt qua đại dịch COVID-19. Buổi lễ được phát trực tuyến từ văn phòng Giáo hoàng ở Vatican, theo tờ The Guardian. “Chúng ta hãy cùng kết nối tới những nạn nhân đang phải chịu đựng vì dịch bệnh, những người đang bị cô lập và những y, bác sĩ đang mệt mỏi vì chống dịch” - Giáo hoàng Francis nhấn mạnh.
Nguy cơ từ sinh hoạt tôn giáo tập trung
Theo đài CNN, tôn giáo - tín ngưỡng và các sinh hoạt đi kèm có vai trò đáng kể trong sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Tại Hàn Quốc, khoảng 60% ca nhiễm liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa, nơi có nữ tín đồ phát tán virus tại các buổi lễ ở nhà thờ tại Daegu. Việc giáo phái này tiếp tục các hoạt động với hình thức nghi lễ mà các tín đồ không được đeo kính, khẩu trang, ngồi gần nhau, hát thánh ca khi có người nhiễm bệnh là nguyên nhân khiến cho dịch bệnh lây nhanh.
Thêm vào đó, người đứng đầu giáo phái này đã có những hành vi ngăn cản nhà chức trách trong việc điều tra, kiểm soát bệnh dịch ngay từ ban đầu đã khiến cho Hàn Quốc rơi vào tình trạng khẩn cấp trong việc kiểm soát dịch.
Tại Iran, số người nhiễm bệnh tăng từng giờ và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù được khuyến cáo là không tụ tập đông người nhưng tại các nhà thờ Hồi giáo vẫn mở cửa thường xuyên đón tiếp các tín đồ.
Ở Đông Nam Á, Malaysia đang là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực với tổng số bệnh nhân vượt mốc 1.800 người. Đáng chú ý, hầu hết trường hợp lây nhiễm ở nước này đều bắt nguồn từ các sự kiện tôn giáo của phong trào Hồi giáo Tablighi Jamaat hồi cuối tháng 2. Gần 16.000 tín đồ từ gần 30 quốc gia đã tề tựu cùng nhau trong thánh lễ tổ chức tại ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Ở đây, việc rửa mặt chung vòi nước, ăn chung đĩa, bốc cơm bằng tay trần, ngồi và ngủ cùng nhau là những sinh hoạt rất bình thường.
Các diễn biến trên cho thấy hoạt động tôn giáo, vốn đòi hỏi nhiều người phải tụ tập cùng một không gian và diện tích, là một trong những hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong tình trạng có những dịch bệnh mới như COVID-19.
Một đám tang được tổ chức tại TP Bethune, Pháp ngày 18-3. Ảnh: REUTERS
Chính phủ các nước hành động gì?
Hiện nhiều nước đã nhận ra mối nguy từ sinh hoạt tôn giáo tập trung giữa mùa dịch và đã mạnh tay siết chặt các biện pháp hạn chế vấn đề này.
Malaysia, nước đầu tiên nhận ra bài học về nguy cơ lây lan từ các đám đông, từ ngày 18-3 đã cấm mọi hoạt động tụ tập đông người như sự kiện tôn giáo, thể thao, xã hội. Tại Singapore, Hội đồng Hồi giáo Singapore đã kêu gọi các tín đồ tránh các sự kiện tôn giáo đông người ở nước ngoài. Đảo quốc sư tử trước đó đã đóng cửa các đền thờ trong hai tuần.
Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng ngừng cấp giấy phép các sự kiện tập trung đông người. Chính quyền nước này ngày 19-3 đã mạnh tay ngưng một sự kiện tôn giáo tập trung hơn 8.500 tín đồ trong nước và từ các nước châu Á, Trung Đông đổ về Gowa, tỉnh Nam Sulawesi, sau khi không thể thuyết phục nhóm này hủy sự kiện. Những người đã có mặt tại sự kiện này sẽ bị cách ly.
Về phía châu Âu, chính phủ các quốc gia ở lục địa già cũng thi hành một số động thái nhằm hạn chế việc sinh hoạt tôn giáo tập trung, dù nếu so sánh với các nước ở châu Á thì có phần kém quyết liệt hơn.
Ở Đức, chính phủ Berlin ngày 16-3 đã ban lệnh cấm tất cả hoạt động tụ tập tại các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, thánh đường, đền thờ. Các tín đồ được khuyến khích tổ chức hành lễ trực tuyến hoặc tại nhà riêng.
Trong khi đó, Anh dù đang phong tỏa toàn quốc nhưng vẫn chưa có động thái cấm trực tiếp các hoạt động tôn giáo mà chỉ cảnh báo người dân giới hạn việc tụ tập đông người. London đồng thời yêu cầu chức sắc các tôn giáo tạm hoãn các sự kiện quy mô lớn.
Ở Ý, dù giới chức Rome ban lệnh phong tỏa và cấm hoàn toàn việc tụ tập sinh hoạt tôn giáo, Giáo phận Công giáo ở nước này đã phản đối kịch liệt quyết định này và từ chối đóng cửa một số nhà thờ nhất định, chỉ trích chính quyền Ý “phản ứng thái quá”.
Nhìn chung, dù các biện pháp đề ra như thế nào thì tiêu chí quan trọng cần được đảm bảo là quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân cũng cần phải được bảo vệ, theo CNN. “Đại dịch COVID-19 cần nỗ lực chung của cộng đồng để vượt qua nhưng không vì thế mà lãnh đạo thế giới phạm vào những quy tắc đã được đặt ra từ trước” - CNN nhấn mạnh.
Tính đến 20 giờ ngày 25-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia TQ ghi nhận toàn thế giới có 19.245 người tử vong vì COVID-19, 424.338 ca nhiễm. Đại dịch hiện đã lan ra hơn 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 101.090 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị thành công. |
Động thái của các tôn giáo lớn
Trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới vẫn nỗ lực tận dụng sức ảnh hưởng và số lượng đông đảo các tín đồ để cùng lan tỏa các thông điệp tích cực, những nghĩa cử đẹp nhằm hỗ trợ công tác ngừa dịch quốc tế.
Đơn cử, Đức Giáo hoàng Francis hồi đầu tháng 3 đã kêu gọi cộng đồng Công giáo Ý cầu nguyện cho lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch của nước này. Về phía Iran - thủ phủ của đạo Hồi, Đại Giáo chủ dòng Shiite Ayatollah Ali al-Sistani nhấn mạnh sự hy sinh của các y, bác sĩ chống dịch quan trọng không kém những người lính đang chiến đấu ngoài mặt trận và chúc cho họ có đủ sức khỏe trong giai đoạn khó khăn này.
Nhiều nhóm tôn giáo nhỏ lẻ cũng tổ chức các hoạt động thiện nguyện ở địa phương như trường hợp các tín đồ Hồi giáo ở Trung Quốc (TQ) ở Bắc Kinh hồi tháng 2 đã tiến hành quyên góp tiền của và trang thiết bị y tế cho tâm dịch Vũ Hán. Ở Ý, nhiều nhóm Công giáo hằng ngày vẫn nấu súp gà cho những bệnh nhân COVID-19 thu nhập thấp. Cộng đồng Công giáo ở bang California (Mỹ) thu thập quyên góp để chuyển cho các hộ nghèo, người vô gia cư và những người cao tuổi sống một mình.
Thái tử Anh xác nhận nhiễm COVID-19 Ngày 25-3, phát ngôn viên Điện Clarence thông báo thái tử Anh Charles đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, theo đài BBC. Dù vậy, người này cũng cho biết thái tử chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ, còn lại tình trạng sức khỏe vẫn tốt và ổn định. Phu nhân của thái tử Charles - công tước xứ Cornwall Camilla cũng đã được xét nghiệm nhưng không phát hiện nhiễm virus. Điện Clarence cho biết thái tử Charles và bà Camilla hiện đang tự cách ly tại dinh thự riêng ở lâu đài Balmoral (Scotland), nơi thái tử Anh vẫn làm việc tại nhà trong nhiều ngày qua. |