Hội chứng "sương mù não" (brain fog) ngày càng trở nên phổ biến, ngay cả ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ đã hồi phục.
Các biểu hiện của chứng sương mù não bao gồm khó ghi nhớ các sự kiện gần nhất, không thể nhớ ra tên hoặc từ vựng, không thể duy trì sự tập trung và gặp vấn đề trong việc nắm bắt và xử lý thông tin.
Hội chứng sương mù não hậu COVID-19 có thể còn phổ biến hơn nhiều so với những gì mà hầu hết mọi người nhận ra. Một nghiên cứu được công bố gần đây ở New York (Mỹ) đã phát hiện ra rằng 67% trong số 156 bệnh nhân COVID-19 được phục hồi đã trải qua một số dạng sương mù não.
Hội chứng "sương mù não" ngày càng trở nên phổ biến, ngay cả ở những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ đã hồi phục. Ảnh: GETTY
Nghiên cứu mới nhất từ Đại học California-San Francisco (Mỹ) đã tìm ra một số lý do tại sao nhiều người khó tập trung, không thể suy nghĩ rõ ràng và hoàn thành các công việc hàng ngày sau khi chiến thắng COVID-19, theo kênh FOX5.
Dù đây mới chỉ là bước khởi đầu, các nhà nghiên cứu tin rằng công trình này sẽ là bước đi quan trọng giúp hiểu chính xác những gì SARS-CoV-2 có thể gây ra đối với não người.
Não của bệnh nhân mắc chứng sương mù não bị viêm nhiều hơn
Theo nhóm nghiên cứu, chứng sương mù não có thể là kết quả của việc virus làm thay đổi dịch tủy sống ở người, theo cách tương tự như các bệnh tấn công não khác.
Nghiên cứu phát hiện một số bệnh nhân mắc chứng sương mù não sau khi khỏi COVID-19 nhẹ có biểu hiện bất thường trong dịch não tủy, tương tự như các bất thường xuất hiện ở bệnh nhân mắc Alzheimer.
Nghiên cứu có sự tham gia của 32 người trưởng thành. Tất cả tính nguyện viên đã bình phục sau khi mắc COVID-19 nhẹ và không cần nhập viện, trong đó 22 người có các vấn đề về não bộ và 10 người còn lại không có các biểu hiện này (nhóm đối chứng).
Tuy nhiên, chỉ có 17 người (với 13 người trong số đó có các triệu chứng sương mù não) đồng ý phân tích dịch não tủy. Những người tham gia gặp vấn đề về não bộ có độ tuổi trung bình là 48, trong khi độ tuổi trung bình của nhóm đối chứng là 39 tuổi.
Các cuộc kiểm tra cho thấy 10/13 người gặp vấn đề ở não bộ có bất thường trong dịch não tủy. Điều quan trọng là 4 mẫu dịch não tủy khác được thu thập từ những người không bị sương mù não cho thấy không có bất thường nào.
Các phân tích sâu hơn được thực hiện trên các mẫu dịch não tủy cho thấy mức protein cao hơn bình thường và sự hiện diện của một số kháng thể không mong đợi, vốn thường được tìm thấy trong hệ miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu cho biết những dấu hiệu đó cho thấy mức độ viêm nhiễm cao. Một số kháng thể đã được nhìn thấy trong máu và dịch não tủy, cho thấy một phản ứng viêm toàn thân. Tuy nhiên, một số kháng thể còn lại chỉ có trong dịch não tủy, một dấu hiệu của viêm não.
Các tác giả nghiên cứu chưa biết chính xác cách hoạt động của những kháng thể này, nhưng họ đưa giả thuyết rằng chúng có thể tấn công chính cơ thể người, giống như một bệnh tự miễn dịch.
Cơ địa cũng làm tăng nguy cơ mắc sương mù não hậu COVID-19
Đáng chú ý, những bệnh nhân mắc chứng sương mù não đang mang trong người khoảng hai bệnh có thể ảnh hưởng đến nhận thức (như tiểu đường, huyết áp cao hoặc tiền sử rối loạn tăng động giảm chú ý - ADHD). Trong khi đó, nhóm đối chứng thường chỉ có tối đa là một trong số các bệnh kể trên.
Các yếu tố này có liên quan bởi chúng có khả năng làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy giảm nhận thức nhẹ, sa sút trí tuệ, và khiến hệ thần kinh gặp nhiều vấn đề hơn. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm sử dụng ma túy, mất khả năng học hỏi, lo âu và trầm cảm.
"So sánh hiệu suất nhận thức với các tài liệu tham khảo quy chuẩn có thể không xác định được những thay đổi thực sự, nhất là ở những người phải trải qua những thay đổi rõ rệt - nhưng vẫn ở trong giới hạn 'bình thường'" - theo Tiến sĩ Joanna Hellmuth, thành viên nhóm nghiên cứu.
"Nếu mọi người nói với chúng ta rằng họ gặp các vấn đề về tư duy và trí nhớ, tôi nghĩ chúng ta nên tin họ hơn là yêu cầu họ phải đáp ứng các 'tiêu chí nghiêm trọng' nhất định" - TS Hellmuth bày tỏ.