Chuỗi cung ứng toàn cầu đang căng thẳng tột độ

Rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vì đại dịch đã được nhiều chuyên gia cảnh báo nhưng cùng với đà tăng giá của nhiên liệu những ngày gần đây thì vấn đề này thêm nóng.

Trong một bài viết trên hãng tin Bloomberg, nhà báo Mark Gongloff mô tả rằng toàn bộ thảm kịch đứt gãy chuỗi cung ứng đã đến cùng lúc: Khan hiếm năng lượng, nguyên liệu, tàu thuyền mắc kẹt, thiếu lao động tại các nhà máy và cảng biển khắp thế giới… Đài CNN nhận xét các chuỗi cung ứng của thế giới đang căng thẳng tột độ.

Tình trạng thiếu tài xế xe tải đang rất nghiêm trọng ở Anh và nhiều nước khác. Ảnh: GETTY IMAGES

Diễn ra mọi ngóc ngách

Trong báo cáo công bố đầu tuần này, Công ty phân tích tài chính Moody's Analytics (Mỹ) nhận định rằng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đang diễn ra “ở mọi ngóc ngách”.

Tại Trung Quốc, tình trạng thiếu điện vì khan hiếm than ngày càng căng thẳng. Tại rất nhiều TP, không chỉ người dân bị ảnh hưởng trong sinh hoạt mà hàng loạt nhà máy phải sản xuất cầm chừng vì thiếu điện. Vì khan hiếm nhiên liệu, hàng loạt trạm xăng ở Anh không còn xăng dầu cung cấp cho dân, theo báo The Guardian.

Sản lượng xe hơi ở Anh giảm 27% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, do thiếu chất bán dẫn, dẫn đến lượng xe xuất sang các thị trường Úc, Mỹ, Trung Quốc giảm. Nhiều hãng sản xuất xe hơi Mỹ giảm sản lượng, vì thiếu chip. Gã khổng lồ Apple cắt giảm mục tiêu sản xuất, cũng vì thiếu chip.

Tại Đức, ngày 30-9, các hãng Volkswagen, Ford và Opel đã tuyên bố tạm thời đóng cửa sản xuất vì thiếu chip. Riêng Opel đóng cửa tới tận năm 2022. Tại Nhật, chỉ số dự trữ hàng thành phẩm đã giảm xuống mức thấp thậm chí hơn cả hồi xảy ra thảm họa động đất - sóng thần năm 2011.

Bên cạnh chuyện nan giải sản xuất, chuyện vận chuyển hàng cũng không suôn sẻ. Chỉ số vận chuyển của Drewry (công ty tư vấn về vận tải biển - Anh) tăng 291% so với một năm trước. Trên một số tuyến đường đông đúc, chẳng hạn như từ Trung Quốc đến cảng lớn nhất châu Âu là Rotterdam (Hà Lan), chi phí vận chuyển một container đã tăng gấp sáu lần trong năm qua.

Thách thức chưa dừng lại dù hàng có về đến cảng. Lúc này tình trạng thiếu lao động cho thấy hậu quả của mình. Rất nhiều nơi đặc biệt ở châu Âu đang chịu tình trạng thiếu nghiêm trọng tài xế xe tải, vì bất đồng điều kiện làm việc và cả vì các hạn chế phòng chống dịch COVID-19. Rải khắp thế giới, hàng loạt cảng biển bị tắc nghẽn do nhu cầu hàng hóa tăng nhanh khi phần lớn nền kinh tế toàn cầu khôi phục hoạt động sau đại dịch. Chi phí vận chuyển tăng vọt và các công ty muốn chuyển hàng hóa đi khắp nơi đang gặp khó khăn vì không có đủ tàu hoặc container. Trong khi đó, người tiêu dùng phải chịu cảnh giá cả tăng cao. Moody’s Analytics đánh giá thực tế này là “đường dây yếu nhất” trong chuỗi cung ứng.

CNN ghi nhận rằng thảm họa đứt gãy chuỗi cung ứng đang đẩy áp lực giá cả hàng hóa lên người tiêu dùng và làm chậm tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu. Người tiêu dùng sẽ phải chứng kiến cơn ác mộng lạm phát. Anh và Mỹ là hai nước có rủi ro lạm phát cao nhất.

Các yếu tố kiểm soát biên giới và hạn chế di chuyển, không có được thẻ vaccine, nhu cầu bị dồn nén do bị mắc kẹt tại nhà đã kết hợp lại tạo thành một cơn bão hoàn hảo ảnh hưởng mạnh đến sản xuất toàn cầu. Do hàng không được giao kịp thời, chi phí và giá cả sẽ tăng, hậu quả là tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ không đạt được như dự báo.

(Theo báo cáo của Công ty phân tích tài chính MOODY’S ANALYTICS (Mỹ) công bố ngày 11-10) 

Sẽ mất bao lâu mới hồi phục?

Moody’s Analytics cảnh báo thực tế này “sẽ còn tệ hơn nữa trước khi dần khá hơn”. Nhà báo Mỹ Mark Gongloff chuyên viết về kinh tế cũng cho rằng “có vẻ thảm họa này sẽ tồn tại 6-12 tháng nữa, thậm chí lâu hơn cả đại dịch”.

Lý do theo Moody’s Analytics, vì phía trước còn nhiều thách thức. Đầu tiên, có thể tính đến sự khác nhau trong cách các nước chống COVID-19, chẳng hạn trong khi Mỹ đang ngày càng nhiều người ủng hộ sống chung với COVID-19 như với bệnh đặc hữu thì Trung Quốc vẫn theo đuổi mục tiêu đưa số ca nhiễm về 0 (zero COVID). Theo các nhà phân tích Moody’s Analytics, “điều này đặt ra thách thức nghiêm trọng trong việc hài hòa các quy tắc, quy định mà công nhân vận tải di chuyển ra vào các cảng và các trung tâm trên khắp thế giới”.

Thứ hai, Moody’s Analytics dẫn ra việc thiếu một “nỗ lực phối hợp toàn cầu” để đảm bảo mạng lưới vận tải và hậu cần khắp thế giới hoạt động thông suốt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến lạc quan hơn về triển vọng khôi phục chuỗi cung ứng. Đầu tuần này, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng JPMorgan Chase (Mỹ) - ông Jamie Dimon nói ông tin rằng những trục trặc ở chuỗi cung ứng sẽ được khắc phục nhanh. Cụ thể, theo đài CNBC, phát biểu tại một hội nghị do Viện Tài chính Quốc tế (Mỹ - hiệp hội ngành dịch vụ tài chính toàn cầu) tổ chức, ông Dimon tin tưởng rằng “đây (chuỗi cung ứng bị đứt gãy) sẽ không phải là vấn đề vào năm tới”. Theo ông Dimon, thời điểm này tình hình đã ở mức “tồi tệ nhất” và “các hệ thống thị trường tuyệt vời sẽ điều chỉnh nó”.•

 

Sự phân kỳ nguy hiểm về triển vọng kinh tế

Trong báo cáo Tầm nhìn kinh tế thế giới công bố ngày 12-10, Quỹ Tiền tệ toàn cầu (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,9% trong năm 2021, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo hồi tháng 7. Dự báo cho năm 2022 chưa thay đổi.

IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ năm 2021 bớt 1%, xuống mức 6%, mức điều chỉnh giảm cao nhất so với tất cả nước khối G7. Lý do là vì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và tiêu dùng kém.

IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 với Trung Quốc, Nhật, Đức - các nền kinh tế lớn sau Mỹ. IMF dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% trong năm 2021, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 7. Lý do vì sự thụt lùi trong chi tiêu công, vì “các vụ vỡ nợ quy mô lớn, hỗn loạn của các tập đoàn” trong đó có lĩnh vực bất động sản có thể gây rủi ro lớn cho thị trường tài chính. Với Đức thì lý do chính vì thiếu nguyên vật liệu sản xuất; Nhật thì việc thực hiện các biện pháp khẩn cấp đối phó dịch trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 cản trở việc hồi phục.

Thị trường lao động ở các nền kinh tế đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nhất. Sự chênh lệch lớn về khả năng tiếp cận vaccine và hỗ trợ của chính phủ giữa các nước giàu và nghèo đang tạo ra “sự phân kỳ nguy hiểm về triển vọng kinh tế”, theo nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath.

Mức tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến có triển vọng trở lại bằng mức trước đại dịch vào năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển đến năm 2024 được dự báo sẽ vẫn ở dưới mức 5,5% hồi trước đại dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm