Chuyên gia hiến cách ASEAN đối phó tàu TQ tại Biển Đông

Trang tin Modern Diplomacy ngày 30-3 đăng bài phân tích của GS Pankaj Jha tại ĐH O.P Jindal Global (Ấn Độ) đưa ra các đề xuất đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đối phó Trung Quốc, trong bối cảnh hơn 200 tàu nước này bị phát hiện tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines (Biển Tây Philippines là cách Philippines gọi Biển Đông) ngày 20-3 cho biết đã phát hiện khoảng 220 tàu Trung Quốc, được cho là do lực lượng dân quân biển nước này điều khiển, đã neo đậu thành hàng tại Đá Ba Đầu từ ngày 7-3.

Chuyên gia hiến cách ASEAN đối phó tàu TQ tại Biển Đông. Ảnh: MODERN DIPLOMACY

Theo ông Jha, trong bối cảnh Trung Quốc đã tôn tạo trái phép một số đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và ngang nhiên triển khai các thiết bị quân sự và vũ khí trên các đảo này, sự tập trung của hàng trăm tàu Trung Quốc cho thấy hành vi quyết đoán của Bắc Kinh, cũng như mối đe dọa tới các bên liên quan tranh chấp tại Biển Đông.

Ông Jha cho rằng nhìn từ việc Trung Quốc đã tôn tạo phi pháp đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thành một trong những đảo nhân tạo và tiền đồn quân sự, dù nước này thường nói đây là nơi trú ẩn cho ngư dân, việc tàu Trung Quốc đổ dồn về đá Ba Đầu là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn thiết lập phi pháp vùng đặc quyền kinh tế trên thực tế (de facto) và cả vùng không phận.

Sự hiện diện phi pháp của các tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu cũng diễn ra trong bối cảnh phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 sắp tròn năm năm. Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.

Ông Jha nhận định các tàu của Trung Quốc được triển khai nhằm phục vụ chiến lược của Trung Quốc và mở rộng quyền kiểm soát đối với các đảo trong khu vực.

Theo ông, chiến lược của Trung Quốc gồm ba cấp độ: lực lượng dân quân biển sẽ hiện diện tại Biển Đông với sự yểm trợ của lực lượng hải cảnh và hải quân nước này.

Ngoài ra, có thể thấy rằng chiến thuật đe dọa mà Trung Quốc áp dụng là nhằm gây cản trở bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào ở các khu vực như Bãi Tư Chính (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thuộc vùng nước ngay phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam), Bãi Cỏ Rong (phía đông bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đá Ba Đầu và các khu vực lân cận nằm ngoài vùng biển kiểm soát của Trung Quốc.

ASEAN nên phản ứng như thế nào?

Các nước ASEAN, dưới sự chủ trì của Chủ tịch luân phiên Brunei, phải nhận thức rõ các thách thức trên và triệu tập một cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN để ưu tiên giải quyết các vấn đề này, ông Jha nhận định.

Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cần gây sức ép với Trung Quốc để tháo gỡ cuộc khủng hoảng, đồng thời thực hiện các cam kết để sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ưng xử trên Biển Đông (COC) vẫn đang trong giai đoạn đàm phán.

Đại sứ quán Mỹ tại Manila và Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc rút các tàu khỏi khu vực. Trên thực tế, nếu các chiến thuật của Trung Quốc không được ngăn chặn, điều này có thể sẽ mở đường cho Bắc Kinh áp dụng các chiến thuật tương tự để đe dọa các quốc gia liên quan tranh chấp tại Biển Đông.

Quân đội Philppines đã triển khai máy bay giám sát hàng trăm tàu Trung Quốc. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Delfin Lorenzana có các phát ngôn về việc triển khai lực lượng hải quân Philippines và thực hiện diễn tập quân sự. Theo ông Jha, các động thái đơn phương này có thể khiến căng thẳng leo thang thành cuộc khủng hoảng trên biển.

Trong bối cảnh đó, điều quan trọng là ASEAN phải ngay lập tức đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về các chiến thuật mà Trung Quốc đang áp dụng, đồng thời tuyên bố này phải được các đối tác đối thoại của ASEAN cũng như các nước trong nhóm “Bộ Tứ” (Quad) ủng hộ.

Trung Quốc đã rút ra được một vài bài học từ cuộc xung đột biên giới với Ấn Độ ở miền đông Ladakh. Trung Quốc đã đối đầu với quân đội Ấn Độ và cuối cùng phải rút lui để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Bắc Kinh đang áp dụng các chiến thuật tương tự ở Biển Đông, do đó, cộng đồng quốc tế và các nước ASEAN cần có các biện pháp đối phó để không khiến tình hình leo thang thành khủng hoảng.

Điều cần thiết là Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an phải ghi nhận những diễn biến này và yêu cầu Trung Quốc tránh thái độ đối đầu.

Ông Jha kết luận rằng Trung Quốc biết rất rõ rằng Brunei với tư cách là chủ tịch luân phiên ASEAN có thể sẽ không chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, song rõ ràng nước này cần phải nêu vấn đề này ở cấp khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm