Tờ Manila Bulletin (Philippines) ngày 31-3 dẫn hình ảnh và tài liệu của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines (Biển Tây Philippines là cách Philippines gọi Biển Đông) cho thấy phần lớn trong số 220 tàu Trung Quốc trước đó bị phát hiện neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu (nằm ở phía đông bắc của cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hiện đã tản ra nhiều khu vực khác tại Biển Đông.
Động thái này cho thấy Trung Quốc “có thể đang thực hiện các hoạt động bất hợp pháp” tại Biển Đông.
Tàu Trung Quốc phân tán khắp khu vực
Theo tài liệu của lực lượng Lực lượng đặc nhiệm quốc gia Biển Tây Philippines (NTF-WPS) và một số hình ảnh do Manila Bulletin ghi nhận, các tàu Trung Quốc, được cho là do dân quân biển điều khiển, đã không thực sự rời khỏi các khu vực ở Biển Đông, mà vẫn đang di chuyển xung quanh và “rõ ràng đang tiến hành các hoạt động tương tự như tuần tra trên biển”.
Đá Ba Đầu: 'Các tàu Trung Quốc tản ra khắp khu vực'. Ảnh: MAXAR
Theo NTF-WPS, 220 tàu Trung Quốc dường như đã di chuyển ra vào khu vực đá Ba Đầu kể từ lần đầu tiên bị phát hiện vào ngày 7-3. Số lượng tàu sau đó giảm xuống còn 183 tàu vào ngày 23-3, trước khi tăng lên 199 tàu vào ngày 29-3.
Tuy nhiên, NTF-WPS đã phát hiện rằng các tàu Trung Quốc rời khu vực đá Ba Đầu hôm 29-3 nhưng lại di chuyển đến các khu vực khác ở Biển Đông.
Theo lực lượng này, 115 tàu bị phát hiện đã di chuyển đến đá Gạc Ma, 45 tàu đã đến khu vực đảo Thị Tứ, trong khi 50 tàu khác tản đến đá Vành Khăn, đá Chữ Thập và đá Subi (tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Tính đến ngày 29-3, 44 tàu Trung Quốc được cho là vẫn đang neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu.
Hơn nữa, bốn tàu của quân đội Trung Quốc cũng bị phát hiện tại đá Vành Khăn.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông?
Manila Bulletin dẫn một ảnh khác cho thấy một số cơ sở đã được Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), một “nỗ lực táo bạo” dường như nhằm quân sự hóa khu vực này.
Trước đó, công ty Simularity (Mỹ) hôm 24-3 đã công bố báo cáo cho biết đã theo dõi “chủ yếu là sự định hình và cấu hình lại của đất liền” trên đá Subi từ ngày 6-11-2020 đến ngày 7-3.
Theo báo cáo, Trung Quốc đã bắt đầu các giai đoạn đầu của công trình xây dựng lớn trên đá Subi, gồm cả việc chuẩn bị xây dựng các công trình nông nghiệp và cải tạo đất.
Manila Bulletin dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Esperon Jr và NTF-WPS tuyên bố: “Philippines kêu gọi Trung Quốc rút ngay các tàu treo cờ nước này. NTF-WPS vẫn kiên định với quan điểm rằng những tàu được gọi là 'tàu đánh cá' này là lực lượng dân quân biển”.
Ông Esperon nhấn mạnh rằng “sự gia tăng số lượng và hình thành các khối lớn” của các tàu Trung Quốc từ đá Ba Đầu đến các khu vực khác tại quần đảo Trường Sa là “nguy hiểm cho hàng hải và an toàn tính mạng trên biển”.
“Các tàu này có thể đang thực hiện các hoạt động bất hợp pháp vào ban đêm và sự hiện diện kéo dài (thành nhóm) của các tàu này có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển do tình trạng ô nhiễm và sự phá hủy các rạn san hô” - ông Esperon cho biết.
Trước đó, báo Inquirer dẫn lời ông Jose Sta. Romana - đại sứ Philippines tại Bắc Kinh - ngày 27-3 cho biết Manila sẽ nêu vấn đề liên quan việc Bắc Kinh tiếp tục hoạt động xây dựng trái phép tại đá Subi trong cuộc họp tiếp theo giữa quan chức hai nước.
Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật, Úc, Canada đã phản ứng trước sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc tại Đá Ba Đầu.
Sau khi phát hiện hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện ở đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 25-3 khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.