Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 27-3 cho biết quân đội nước này đã điều máy bay chiến đấu hạng nhẹ bay qua hàng trăm tàu Trung Quốc đang neo đậu trái phép tại khu vực đá Ba Đầu (nằm ở phía đông bắc của cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ông Lorenzana cũng nhắc lại yêu cầu của Manila về việc Bắc Kinh ngay lập tức rút các tàu này ra khỏi khu vực.
Hình ảnh vệ tinh chụp các tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu hôm 23-3. Ảnh: MAXAR TECHNOLOGIES
Ông Lorenzana cuối ngày 27-3 cho biết các máy bay quân sự của Philippines đã được triển khai nhằm thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng ngày đối với các tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu.
Ông Lorenzana cho biết quân đội Philippines cũng sẽ tăng cường sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông để tiến hành “tuần tra” và bảo vệ ngư dân Philippines.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên, trước đó cho biết rằng các tàu của nước này tại đá Ba Đầu là “tàu cá” đang “tránh gió vì biển động” và “không có lực lượng dân quân trên tàu”.
Theo Reuters, quốc tế ngày càng lo ngại về điều mà Philippines mô tả là “sự hiện diện tràn ngập và đe dọa” của hơn 200 tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu. Manila nghi ngờ các tàu này do lực lượng dân quân biển Trung Quốc điều khiển.
Trước đó, Philippines hôm 21-3 đã gửi công hàm ngoại giao đến Trung Quốc để phản đối và kêu gọi các tàu của Bắc Kinh ngay lập tức rời khỏi khu vực.
Trong thông báo hôm 25-3, ông Edgard Arevalo - người phát ngôn của Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) - cho biết Tổng tham mưu trưởng AFP Cirilito Sobejana đã ra lệnh triển khai thêm tàu hải quân thực hiện "tuần tra" ở Biển Đông, nhằm trấn an người dân nước này rằng quân đội vẫn quyết tâm bảo vệ họ khỏi tình trạng bị quấy rối.
Đến nay, Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nhật, Úc, Canada đã đưa ra phản ứng trước sự hiện diện phi pháp của hàng trăm tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu.
Sau khi phát hiện hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện ở đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25-3 khẳng định Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc vi phạm này.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gia tăng, trong khi Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte xây dựng quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, đồng thời duy trì quan hệ đồng minh với Washington.
Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc từ lâu đã bị nghi ngờ được sử dụng như lực lượng dân quân biển, cũng như được cho là tuân theo chỉ đạo của chính quyền Bắc Kinh để hỗ trợ lực lượng hải cảnh và hải quân trong việc khẳng định các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông.
Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò” đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.
Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ theo phán quyết.