Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đang ngỏ ý sẵn sàng tới CHDCND Triều Tiên nhằm phá vỡ bế tắc liên quan đến vấn đề giải trừ hạt nhân của nước này.
Đề nghị trên được Hạ nghị sĩ Ro Khanna tiết lộ với báo Politico sau khi gặp Tổng thống thứ 39 của Mỹ ở thành phố Atlanta, thuộc bang Georgia, hôm 7-3.
Vào năm 1994, ông Carter là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Triều Tiên khi ông gặp lãnh tụ Kim Nhật Thành, ông nội của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un.
Hai người cùng nhau phát triển một kế hoạch “từng bước” song phương nhằm đạt được hòa bình và nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa, ông Khanna nói.
Ông Carter, hiện 94 tuổi, không còn đi lại nữa nhưng đã nói với Hạ nghị sĩ Khanna rằng ông sẽ tới Triều Tiên nếu chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần sự giúp đỡ của ông.
Ông Jimmy Carter. Ảnh: THE WASHINGTON TIMES
Ông Khanna nói rằng cựu Tổng thống Carter “có lẽ là người duy nhất” ở Mỹ có liên hệ và đàm phán trực tiếp với ông nội của nhà lãnh đạo Kim là cố lãnh tụ Kim Nhật Thành, vốn là một nhân vật được kính trọng ở Triều Tiên.
Hạ nghị sĩ Mỹ nói thêm rằng với “sức nặng của lịch sử”, ông Carter có thể ở một vị thế duy nhất để hỗ trợ Tổng thống Trump trong các cuộc đàm phán hạt nhân với ông Kim, sau khi hai nhà lãnh đạo kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam mới đây mà không đạt được thỏa thuận nào.
Cũng theo báo Politico, hiện cả ông Carter và Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận gì về tiết lộ của Hạ nghị sĩ Khanna.
Hạ nghị sĩ Ro Khanna. Ảnh: MERCURY NEWS
Viễn cảnh Tổng thống Trump sẽ liên kết với người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ có vẻ xa vời. Cựu Tổng thống Carter thường thách thức ông Trump, nói rằng ông sẽ "thay đổi tất cả các chính sách" mà ông Trump đã lập ra nếu có thể, và mô tả nhiệm kỳ tổng thống của ông là một “thảm họa”.
Và trong khi Tổng thống Trump không biến ông Carter thành mục tiêu khi tiếp quản Nhà Trắng, nhà lãnh đạo này trước đây từng chỉ trích ông Carter là “một người dễ dụ”.
Nhưng ông Khannam, thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện chuyên về tình báo và các mối đe dọa mới nổi, nói rằng cuộc gặp của ông với cựu Tổng thống Carter đã cho thấy một vai trò khả dĩ mà ông này có thể đóng góp trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán.
Với thiện ý của ông Carter, Hạ nghị sĩ Khanna cho biết giờ đây ông sẽ cố gắng hồi sinh chiến lược phi hạt nhân hóa 12 điểm mà ông Carter đã đưa ra với lãnh tụ Kim Nhật Thành, điều chỉnh nó và đưa ra một khuôn khổ chung mới mà ông hy vọng có thể hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Trump.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông Kim và ông Trump mới đây đã không ra được tuyên bố chung. Ảnh: AFP
Ngày 7-3, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên thêm nữa, sau khi cuộc thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc mà không ra được tuyên bố chung, chủ yếu vì không thống nhất được chuyện trừng phạt và quy mô giải trừ hạt nhân của Triều Tiên.
Trả lời phỏng vấn đài Fox News (Mỹ), ông Bolton cho biết Tổng thống Trump sẵn sàng cho một “thỏa thuận lớn” để đổi lấy sự giải trừ hạt nhân hoàn toàn của Triều Tiên, vì một “tương lai tươi sáng” cho đất nước này.
Về phần mình, Tổng thống Trump cùng ngày cho biết ông cảm thấy có chút thất vọng về nhà lãnh đạo Kim liên quan báo cáo Triều Tiên đang khôi phục bãi thử tên lửa bên trong Trạm phóng vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri, theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc).
Trong khi đó, Triều Tiên ngày 7-3 đã chỉ trích các cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc là thách thức đối với các nỗ lực để hướng tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, theo trang Channel News Asia.