EU thay đổi chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bài viết mới đây trên tạp chí National Interest, TS Jagannath Panda, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Stockholm (Thụy Điển), nhận định cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine hiện nay đã ảnh hưởng đáng kể lên chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD - TBD) của Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Panda thì ở một mức độ nào đó, cuộc khủng hoảng Ukraine dường như đã làm chệch hướng sự chú ý của thế giới khỏi khu vực AĐD - TBD. Tuy nhiên, không một bên liên quan nào có thể bỏ qua biến động ở AĐD - TBD, đặc biệt là EU vào thời điểm mà khối này đang tìm cách nâng cao vị thế của mình.

Trước khi “La bàn chiến lược” được công bố, đã có những suy đoán về các lĩnh vực có thể chồng chéo với “khái niệm chiến lược” sắp tới của NATO và liệu sự tồn tại của hai cơ chế như vậy có thực sự cần thiết hay không? Cho đến nay, các dấu hiệu cho thấy khả năng phòng thủ tập thể chủ yếu vẫn thuộc phạm vi NATO. 

Nhiều thay đổi trong chiến lược của EU

Cuộc xung đột là động lực để EU đẩy mạnh nỗ lực thiết lập hiện diện ở AĐD - TBD, đặt nền móng an ninh cho mình ở khu vực rất quan trọng này.

Đối thủ lớn nhất của EU trong khu vực này là Trung Quốc (TQ). Ngay cả khi EU tiếp tục giữ “cam kết ngoại giao nhiều mặt với TQ”, ngoại trừ các lĩnh vực có sự khác biệt cơ bản về giá trị, quan hệ giữa hai bên vẫn tiếp tục xấu đi. Việc EU thừa nhận những thách thức mà TQ đặt ra, đã buộc khối này phải tìm cách chống lại ảnh hưởng kinh tế của TQ, đặc biệt ở vùng Tây Balkan.

Một tàu hàng của Đức di chuyển trên Ấn Độ Dương hồi tháng 12-2021.
Ảnh: SHUTTERSTOCK

Đối với EU, nếu như Nga là một đối thủ lâu dài và cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ nhắc lại mối đe dọa đó, thì TQ là đối thủ mới. Do đó EU phải luôn sẵn sàng đối mặt với thách thức kép của Nga và TQ cả ở AĐD - TBD và bên ngoài khu vực. Giống như Mỹ - nước từng tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ chỉ củng cố chiến lược AĐD - TBD của mình, EU cũng phải xem xét hai vấn đề này song song với nhau.

Để giảm thiểu những tác động lan rộng và lâu dài của cuộc khủng hoảng Ukraine, EU sẽ tìm cách tăng cường sự tham gia chiến lược của mình với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là ở AĐD - TBD.

Hai ví dụ mới nhất về nỗ lực tiến vào AĐD - TBD và đối diện với TQ là việc công bố chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” hồi tháng 12-2021 như một giải pháp cạnh tranh với chiến lược Vành đai - Con đường (BRI) của TQ; và “La bàn chiến lược” về an ninh và quốc phòng hồi tháng 3 tập trung vào các mối quan hệ đối tác phù hợp trong không gian lân cận EU.

EU trong hợp tác an ninh với các liên minh khác

EU sẽ chi 300 tỉ euro cho chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” đến năm 2027. Chiến lược này lên kế hoạch cho các dự án trên toàn cầu, cạnh tranh với BRI không chỉ ở châu Phi và châu Âu (bao gồm cả Bắc cực), mà còn cả Mỹ Latinh và AĐD - TBD.

EU và AĐD - TBD là những khu vực liên kết và phụ thuộc lẫn nhau nhau về kinh tế. Cả hai khu vực cộng lại chiếm khoảng 70% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Các tuyến đường thủy AĐD - TBD góp phần đáng kể trong thương mại của EU khi châu Á là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu của EU vào năm 2020 (hơn 30%).

“La bàn chiến lược” được công bố trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine là một nỗ lực nhằm củng cố phạm vi an ninh toàn cầu của EU thông qua các mối quan hệ đối tác ở Đông và Nam Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

TS Panda cho rằng “La bàn chiến lược” là một nỗ lực khác hướng tới cách tiếp cận tích hợp của EU đối với chiến lược an ninh toàn cầu và đưa khối này trở thành một thế lực có thể phóng chiếu ảnh hưởng chính trị một cách độc lập và quyết đoán. Chiến lược này được dự đoán là một công cụ để tăng cường quyền tự chủ chiến lược của khối thông qua quan hệ đối tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Liên minh châu Phi (AU) hay Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia cùng chí hướng như Mỹ, Na Uy, Canada, Anh và Nhật.•

 

Cục diện Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ thay đổi nhờ EU

Trong một bài viết cho tờ Asia Times, chuyên gia Richard Javad Heydarian (Indonesia) cho rằng việc EU tham gia các vấn đề an ninh của AĐD - TBD khiến TQ khó có thể thúc đẩy lập luận rằng các tranh chấp trên biển trong khu vực chỉ là vấn đề song phương giữa nước này và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối địch; và các bên tham gia ngoài khu vực nên đứng ngoài.

Hành động can dự vào AĐD - TBD của các cường quốc châu Âu có thể có tác động lớn hơn nếu chúng giúp củng cố sức mạnh cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực vốn đang tìm cách kiềm chế những hành động nguy hiểm của TQ. Chẳng hạn, EU có thể giúp nâng cao nhận thức lĩnh vực biển ở mức cơ bản và năng lực của các lực lượng bảo vệ bờ biển ở các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp trên Biển Đông như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm