Trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp rời ghế, các cuộc thảo luận trong và ngoài Liên minh châu Âu (EU) đã nổ ra để dự đoán mối quan hệ tương lai của khối với Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Mối lo của Trung Quốc
Trong suốt 16 năm làm thủ tướng Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, bà Merkel luôn đóng vai trò là người thúc đẩy quan hệ EU và Trung Quốc, vốn tập trung vào vấn đề thương mại hơn là nhân quyền.
Hiện các ý kiến cho rằng EU nên cứng rắn hơn đối hơn với Trung Quốc đang lan tràn khắp châu Âu. Các chính trị gia, các nhóm nhân quyền và truyền thông đang gây áp lực lên các nhà chức trách, buộc họ có lập trường vững chắc hơn với Bắc Kinh.
Trước tình hình này, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc không còn cách nào ngoài việc đặt hy vọng vào một nhà lãnh đạo có thể duy trì hiện trạng.
Bắc Kinh có thể đặt kỳ vọng vào ai?
Ông Jiang Shixue, một giáo sư về quan hệ EU-Trung Quốc tại Đại học Thượng Hải cho biết có hai điều kiện để trở thành "người thúc đẩy" cho mối quan hệ EU-Trung Quốc.
Theo ông, người đó phải là người có tiếng nói lớn trong các vấn đề châu Âu, và có thái độ thân thiện với Trung Quốc. Đức và Pháp đáp ứng được điều này. Vì vậy, các nhà lãnh đạo tương lai của hai quốc gia này sẽ duy trì một thái độ được cho là "đúng đắn" đối với Trung Quốc.
Đầu tiên là ứng cử viên Armin Laschet, người cùng đảng với bà Merkel và sẽ tiếp nối chính sách như hiện tại đối với Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ trong nội bộ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).
Tuy nhiên, tỉ lệ người dân Đức ủng hộ ông trong cuộc bầu cử thủ tướng sắp tới đã giảm mạnh sau khi ông bị bắt gặp cười khúc khích trước máy quay trong bài phát biểu về đợt lũ lụt thảm khốc ở miền Tây nước Đức khiến 164 người chết và hơn 100 người mất tích. Trước đó, tỉ lệ ủng hộ ông ở mức tương đối cao.
Ông Armin Laschet. Ảnh: GETTY
Một người khác mà Bắc Kinh "trao niềm tin" là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Bắc Kinh kỳ vọng ông Macron trước mắt sẽ đảm nhận vai trò quan trọng của bà Merkel trên chính trường châu Âu, sau đó là tái đắc cử tổng thống vào năm tới.
Ông Macron là một tín đồ mạnh mẽ của khái niệm "tự chủ chiến lược" - một định nghĩa nhiều lần khiến Washington hoài nghi.
Vào tháng 6, ông Macron từng phản đối việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ định Trung Quốc là "kẻ thách thức hệ thống”. Theo tổng thống Pháp, NATO là một tổ chức về Bắc Đại Tây Dương, Trung Quốc không liên quan nhiều đến Bắc Đại Tây Dương.
Phản ứng này được Bắc Kinh hoan nghênh, nhưng vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ Washington.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: GETTY
Từ hai năm nay, ông Macron đã sát cánh cùng bà Merkel trong một loạt giao dịch với Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đã tổ chức hai cuộc gọi ba bên với ông Tập trong năm nay.
Tuy nhiên, một cuộc khẩu chiến giữa đại sứ Pháp và Nga tại Bắc Kinh trong tháng này là một lời nhắc nhở Trung Quốc rằng chính quyền Pháp có thể mạnh tay hơn về nhân quyền so với các đối tác Đức.
Cụ thể, ông Laurent Bili - đặc phái viên Pháp đã cáo buộc Trung Quốc tấn công trực tiếp vào quyền tự do ngôn luận của Pháp, ngay trên đất Pháp nhằm vào một số nhà báo của nước này.