Ngày 4-8, Trung Quốc có một động thái bất ngờ khi buộc Đức phải nói rõ ý định của họ khi điều một tàu khu trục nhỏ đến Biển Đông, theo tờ South China Morning Post.
Theo giới phân tích, điều này đã cho thấy hàm ý trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
"Trò bịp" của Đức?
Dưới sự thúc đẩy của bộ quốc phòng và ảnh hưởng của Mỹ, Pháp và Anh, Đức đã điều động tàu chiến Bayern thực hiện một chuyến hành trình dài sáu tháng đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để đảm bảo "một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Đây cũng là tàu hải quân Đức đầu tiên đi qua Biển Đông trong gần 20 năm qua.
Tàu khu trục Bayern của Đức. Ảnh: DPA
Tuy nhiên, vào phút cuối, Đức đã thêm một chuyến dừng chân thân thiện ở Thượng Hải vào lộ trình của tàu Bayern như một cách để trấn an Thủ tướng Angela Merkel - nhà lãnh đạo ôn hòa, với chủ trương tránh chọc tức Bắc Kinh trong những ngày cuối cùng tại vị.
Ngày 3-8, trong một động thái bất ngờ, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cập cảng Thượng Hải của tàu Đức cho đến khi Berlin đưa ra lời giải thích rõ ràng hơn về việc điều tàu, đồng thời gọi đây là "trò bịp của Đức".
"Đức miễn cưỡng điều tàu để làm hài lòng đồng minh"
Theo ông Noah Barkin, thành viên cấp cao thuộc Chương trình Châu Á của Quỹ Marshall, chuyến thăm cảng Thượng Hải là một bước đi muộn màng nhằm xoa dịu Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó đang che khuất thông điệp mà Đức muốn gửi đi với sứ mệnh này.
"Các tình tiết cho thấy văn hóa chiến lược của Đức còn hạn chế. Dưới thời Thủ tướng Merkel, họ thường thu gọn những lo ngại rất thực tế của mình về Trung Quốc thành những thông điệp u ám" - ông nói.
Điều này cho thấy chính sách của Berlin đối với Bắc Kinh trong nhiều năm nay. Đến hiện tại, trong Liên minh châu Âu (EU), Đức có mối quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Vì thế, họ không muốn làm bất cứ điều gì có thể làm tổn hại điều này.
Vì lý do này, bà Merkel đã từ chối áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn về các vấn đề như nhân quyền và cưỡng bức kinh tế đối với Trung Quốc. Thay vào đó, bà nêu ra các vấn đề khác và theo đuổi các lĩnh vực chung mà Đức và Trung Quốc có thể hợp tác.
Kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, áp lực lên Đức và EU trong việc tham gia liên minh các đồng minh cùng chí hướng để giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc đã gia tăng.
Theo giới phân tích, Đức đã miễn cưỡng đồng ý với những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với Bắc Kinh tại các hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nền kinh tế hàng đầu (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng nhận định việc Đức đồng ý cử tàu tới Biển Đông không phải vì muốn tham gia các hoạt động tự do hàng hải, mà là để làm hài lòng các đồng minh.
Theo ông Jonathan Eyal, giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh, việc ghé cảng Thượng Hải là nhằm loại bỏ các suy nghĩ cho rằng nước này đang đối đầu với Trung Quốc.
Thấy gì từ việc Trung Quốc buộc Đức giải trình?
Ông Francois Godemont, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Institut Montaigne ở Paris (Pháp), nhận định việc Bắc Kinh yêu cầu Berlin giải trình đã "thể hiện cách tiếp cận mới của Trung Quốc đối với EU: lựa chọn giữa hợp tác, cạnh tranh và đối đầu".
Theo ông, Trung Quốc muốn nói với các nước rằng họ chỉ được chọn một là hợp tác, hoặc hai là đối đầu với Trung Quốc. Khi đối tác dao động, Trung Quốc sẽ gia tăng áp lực.