Cùng điều tàu sân bay đến khu vực, Mỹ, Trung Quốc muốn gì?

Những ngày qua cả Trung Quốc (TQ) và Mỹ đều đưa tàu sân bay đến biển Hoa Đông và Biển Đông - cuộc đua tranh hàng hải mới nhất giữa hai đối thủ chiến lược trong thời điểm căng thẳng khu vực tăng cao, báo South China Morning Post dẫn nhận định từ nhiều nhà phân tích.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ. Ảnh: US NAVY

Căng thẳng đá Ba Đầu tăng, Mỹ - Trung cùng đưa tàu đến khu vực

Ngày 4-4, nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu sân bay USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã đi vào Biển Đông qua eo biển Malacca, theo dữ liệu vệ tinh của tổ chức Sáng kiến theo dõi chiến lược Nam Hải của ĐH Bắc Kinh. Cũng theo tổ chức này, ngày 3-4, tàu khu trục tên lửa USS Mustin của Mỹ hoạt động ở biển Hoa Đông, gần sông Dương Tử của TQ.

Trong tuần qua, Mỹ cũng tổ chức một loạt cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực, trong đó có với Nhật ở biển Hoa Đông, với Úc ở đông Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, ngày 3-4, tàu sân bay Liêu Ninh của TQ đi qua eo biển Miyako (nằm giữa đảo Miyako ở phía nam và đảo Okinawa ở phía bắc trong chuỗi đảo Ryukyu của Nhật, thuộc khu vực Nhật kiểm soát, nối biển Hoa Đông và Thái Bình Dương).

Nhật nhiều lần lên tiếng quan ngại về luật hải cảnh của TQ cho phép lực lượng hải cảnh TQ sử dụng vũ khí với tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà TQ đơn phương cho là của mình. Nhật cũng lo ngại tình trạng tàu hải cảnh TQ gia tăng hiện diện trong các vùng biển gần các đảo tranh chấp.

Căng thẳng khu vực cũng gia tăng xung quanh Đài Loan - nơi TQ những tháng gần đây tăng cường thực hiện chiến thuật “vùng xám” đối phó với vùng lãnh thổ này. Ngày 5-4 có 10 chiếc máy bay chiến đấu của TQ bay vào vùng nhận dạng phòng không do Đài Loan thiết lập. Trước đó, TQ đã đưa máy bay quân sự Y-8 tiếp cận hòn đảo này trong hai ngày 3 và 4-4, theo thông tin từ cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Diễn biến này đến trong lúc TQ đang triển khai một lượng lớn tàu dân quân biển (mà nước này cho là tàu cá) ở đá Ba Đầu (thuộc cụm đảo Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà TQ, Philippines và Đài Loan đang tranh chấp trái phép).

TQ đưa ra lý lẽ là các “tàu cá” của mình đậu ở đá Ba Đầu để tránh thời tiết xấu. Tuy nhiên, ngày 5-4, Bộ Ngoại giao Philippines nói lời giải thích này là “lời nói dối trắng trợn” và cho thấy rõ sự bành trướng cũng như các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của TQ ở Biển Đông.

Philippines cũng bác bỏ lời của phía Bắc Kinh rằng đá Ba Đầu là một ngư trường truyền thống của TQ, và một lần nữa yêu cầu các thuyền TQ rời khỏi khu vực ngay lập tức, bằng không “cứ mỗi ngày chậm trễ, Philippines sẽ gửi một công hàm phản đối ngoại giao”. Trong tuần qua, Mỹ, Nhật, Indonesia cũng tăng áp lực lên TQ về chuyện này.

Hai bên muốn gì?

Theo GS Ben Schreer về nghiên cứu chiến lược tại ĐH Macquqrie ở Sydney (Úc), việc Mỹ cho tàu sân bay qua Biển Đông là nhằm phản ứng lại với tuyên bố chủ quyền của TQ ở vùng biển này, cũng như nhằm phát tín hiệu với các đồng minh - như Philippines - rằng Mỹ là một đồng minh đáng tin cậy và đủ năng lực.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) có nhận định cụ thể hơn. Ông cho rằng Mỹ đang đưa ra tín hiệu với các đồng minh rằng mình vẫn giữ vững cam kết duy trì sự hiện diện quân sự đáng tin ở khu vực và sẽ ngăn chặn “bất kỳ hành động quyết liệt nào” của TQ trong bối cảnh căng thẳng cao ở đá Ba Đầu. Năm ngoái, Mỹ cũng thực hiện nhiều cuộc tập trận hàng hải trong bối cảnh căng thẳng giữa TQ với Malaysia ở Biển Đông tăng cao.

Trong khi đó, động thái đưa tàu sân bay Liêu Ninh đến biển Hoa Đông là cách TQ phô diễn sức mạnh và thể hiện tham vọng bảo vệ cái mà nước này cho là quyền lợi chủ quyền. “Đó là tín hiệu với Nhật, với Mỹ và với các cường quốc khác trong khu vực rằng hải quân TQ đang dần phát triển năng lực tàu sân bay” - theo GS Ben Schreer.

Nhà nghiên cứu Koh cho rằng các hành động của hải quân TQ trong khu vực, trong đó có động thái đưa tàu sân bay Liêu Ninh đi qua eo biển Miyako phục vụ ý đồ của nước này là nhấn mạnh “khả năng hành động chống lại nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn các quyền lợi hàng hải của TQ”.

Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng sự hiện diện hàng hải cùng lúc của TQ và Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào cùng thời điểm có thể làm tăng rủi ro xung đột quân sự giữa hai cường quốc. Rủi ro này đặc biệt cao trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quyết liệt hơn trong chuyện tuyên bố chủ quyền hàng hải đơn phương còn Mỹ đang tập trung vào chiến lược kiềm chế TQ.•

Việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ hiện diện ở Biển Đông rõ ràng là một thông điệp với TQ.

Nhà nghiên cứu XUE CHEN tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải 

 

Khi có thông tin khoảng 220 tàu dân quân biển TQ tập trung ở vùng biển đá Ba Đầu, ngày 22-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh nói các “tàu cá” này chỉ neo đậu tránh gió bão. Tuy nhiên, theo thông tin của hãng tin Bloomberg thì đến hai tuần sau khi bà Hoa lên tiếng vẫn còn hơn 40 tàu TQ ở đá Ba Đầu.

Theo ông Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo chung Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, không ai cho tàu trú tránh bão hàng tuần liền như thế. Nếu các tàu này thực sự là tàu thương mại thì chi phí cho mỗi chiếc phải từ hàng trăm tới hàng ngàn USD mỗi ngày neo đậu như vậy.

Theo ông Schuster, hiện làm việc trong chương trình khoa học ngoại giao và quân sự tại ĐH Thái Bình Dương Hawaii, ngày càng rõ khả năng TQ đang thăm dò liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có hành động nào không, sau khi cam kết sát cánh với các đồng minh trong khu vực đối phó TQ. Nhớ lại, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin từng đổ lỗi chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama đã không ngăn được TQ khi TQ chiếm đóng bãi cạn Scarborough năm 2012, hành động mà theo Bloomberg là điềm báo trước cho việc TQ xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự ở Biển Đông.

Về vụ việc đá Ba Đầu, ông Schuster cho rằng cách Mỹ phản ứng sẽ quyết định bước thử tiếp theo của TQ. Ông cũng thừa nhận những gì Mỹ thể hiện đến lúc này thiên về nói hơn là hành động thực chất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm