Đức nỗ lực cân bằng chính sách với đồng minh và Trung Quốc

Trong khi nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) như Lithuania và Thụy Điển có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, Đức từ lâu đã tìm kiếm một chính sách cân bằng với cả Bắc Kinh và với đồng minh phương Tây.

Trong suốt 16 năm cầm quyền, Thủ tướng Angela Merkel luôn nhận thức được áp lực từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Dần nghiêng hơn về đồng minh phương Tây

Trong khi phải cùng Mỹ và các đồng minh đưa ra một cách tiếp cận đa phương mạnh mẽ hơn để đối phó Bắc Kinh, Đức vẫn cố gắng giữ quan hệ tốt với Trung Quốc để không ảnh hưởng mối quan hệ thương mại với nước này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: ECONOMIC TIMES

Bà Merkel là một trong số ít các nhà lãnh đạo duy trì quan hệ thân thiện dường như không bị gián đoạn với giới lãnh đạo Trung Quốc. Bất chấp các hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19, bà Merkel vẫn đến Trung Quốc ít nhất một lần mỗi năm, và thường đi cùng với các phái đoàn doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo trang tin The Diplomat, Đức gần đây có một số động thái cho thấy nước này có vẻ dần nghiêng hơn cán cân về phía các đồng minh phương Tây truyền thống, dù rằng chưa rõ ràng.

Tuần trước, tàu Bayern của Hải quân Đức đã rời căn cứ tại Wilhelmshaven và đang trên đường đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tàu dự kiến ghé thăm một số cảng trong khu vực, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam, và cũng có kế hoạch đi qua Biển Đông vào tháng 12 năm nay.

Đây là lần đầu tiên sau gần 20 năm sẽ có một tàu hải quân Đức đi vào Biển Đông để hỗ trợ cho các đối tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như thể hiện cam kết duy trì tự do hàng hải.

Dù vậy, các nhà chức trách Đức lại nhấn mạnh rằng Bayern sẽ đi trên các tuyến đường biển truyền thống ở Biển Đông và sẽ tránh đi vào eo biển Đài Loan để tránh chọc giận Bắc Kinh, cũng như đề xuất ghé thăm cảng Thượng Hải.

Theo bài bình luận của Tổ chức tư vấn Chatham House hồi tháng 3, việc đề xuất ghé thăm Thượng Hải trước khi vào Biển Đông có thể tạo cho Trung Quốc cảm giác được tôn trọng, qua đó giúp giảm căng thẳng trong quan hệ.

Chính điều này đã làm nhiều người càng thêm băn khoăn về ý định thực sự của chính phủ Đức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung Quốc dần đề phòng Đức hơn?

Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc trước việc Đức điều tàu chiến đến Biển Đông vẫn rất thận trọng. 

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản TQ) gần đây đã tái khẳng định miễn là tàu Đức tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh "các hành động cố ý" ở Biển Đông, thì sẽ không có thiệt hại ngoại giao nào gây ra.

Trung Quốc cũng hoãn việc ra quyết định cho phép tàu Bayern cập bến Thượng Hải trong đợt triển khai này cho đến khi họ nhận được thêm thông tin về "ý định" cụ thể của Đức khi điều tàu. Một cơ quan thông tấn quân sự của Trung Quốc cho biết có thể quyết định cuối cùng sẽ được công bố sau khi Đức hoàn tất cuộc bầu cử vào tháng 9.

Có thể thấy, hiện Bắc Kinh cũng đang tỏ ra khá e dè trước sự thay đổi chính sách đối ngoại của Berlin. Rất có thể điều này sẽ tác động lớn đến quan hệ vốn được xem là khá thân thiết giữa hai nước.

Trung Quốc phủ bóng cuộc bầu cử sắp tới

Hiện chính sách đối với Trung Quốc đã trở thành một trong những trọng tâm của cuộc bầu cử năm nay tại Đức.

Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel dự kiến vẫn tiếp tục chính sách hiện tại. Đảng Greens, đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đều đã dứt khoát kêu gọi trừng phạt Trung Quốc vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Quỹ Körber trước thềm cuộc bầu cử tháng 9, có 76% số người được hỏi cho biết họ muốn thấy chính phủ Đức ủng hộ các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Trung Quốc. Chỉ 18% ủng hộ các mối quan hệ kinh doanh tốt đẹp với Trung Quốc.

Với việc bà Merkel sắp rời chính trường, câu hỏi đặt ra là: Liệu người kế nhiệm có đủ sức vượt qua sức ép chính trị trong và ngoài nước để đưa ra chính sách rõ ràng hơn với Bắc Kinh hay không?

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm