Hong Kong căng thẳng chưa từng có vì bạo lực

Trái ngược với sự ôn hòa cùng tinh thần hòa bình của phong trào Dù vàng năm 2014, những cuộc biểu tình gần đây ở Hong Kong đã bắt đầu có xu hướng cực đoan hóa và biến thành những cuộc bạo động. Sự thay đổi này, theo nhận định của chuyên gia châu Á James Griffiths, cho thấy một sự chia rẽ đang lớn dần lên trong nội bộ phong trào biểu tình ở Hong Kong.

Chính quyền Hong Kong “đau lòng”

Hôm 1-7, trong khi một đoàn biểu tình ôn hòa tuần hành ngang qua trụ sở Hội đồng Lập pháp Hong Kong nhân dịp kỷ niệm 22 năm ngày đặc khu này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc (TQ), một nhóm đã tách khỏi đoàn, tiến hành bao vây, xâm nhập và đập phá cơ quan này.

“Chúng tôi phải cho chính quyền (Hong Kong) thấy rằng chúng tôi sẽ không chỉ khoanh tay ngồi nhìn” - Joey, một người biểu tình 26 tuổi, nói. Cuộc bạo động kết thúc khi cảnh sát Hong Kong giành lại được cơ quan lập pháp và các khu vực xung quanh sau nhiều giờ bị một số người biểu tình cố thủ trong tòa nhà tấn công bằng gạch đá.

Cảnh sát trưởng Stephen Lo phê phán những hành động bạo lực xảy ra vào đêm 1-7 đã vượt xa tất cả giới hạn của một cuộc biểu tình ôn hòa.

Xuất hiện tại buổi họp báo sáng 2-7 tại trụ sở cảnh sát Hong Kong sau 12 ngày vắng mặt trước công chúng, Trưởng đặc khu Carrie Lam đã lên án vụ việc và gọi đó là cơn bão “bạo lực khủng khiếp” tại trụ sở hội đồng lập pháp. Bà Lam cho biết bản thân bà “bị sốc và rất đau lòng”.

Bà Lam khẳng định chính quyền Hong Kong sẽ chống lại hành vi phạm luật đến cùng. Tuy nhiên, vị này đồng thời nhấn mạnh chính quyền Hong Kong sẵn sàng tiếp xúc và lắng nghe tiếng nói của người dân từ mọi thành phần, trong đó có giới trẻ. Bà Lam cũng bác bỏ cáo buộc rằng chính quyền đã không có phản hồi gì trước yêu cầu của những người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

“Việc chúng tôi không đáp ứng mọi yêu cầu (của nhiều người biểu tình) đều có lý do. Dự luật dẫn độ sẽ hết thời hạn. Nói cách khác, dự luật sẽ chính thức biến mất kể từ tháng 7-2020, khi hội đồng lập pháp hiện nay hết nhiệm kỳ. Đó là phản ứng rất tích cực của chính quyền Hong Kong với những yêu cầu từ phía người dân Hong Kong” - bà Lam cho biết.

Người tham gia đối đầu với cảnh sát trong đợt bạo động hôm 1-7. Ảnh: AP

Dư luận Trung Quốc bất bình

Trong một tuyên bố đăng trên Tân Hoa xã ngày 2-7, Văn phòng liên lạc TQ tại Hong Kong đã lên tiếng chỉ trích cuộc bạo động là “sửng sốt, sai lầm và đáng bị lên án”.

“Những phần tử cực đoan đã sử dụng bạo lực thái quá để xông vào cơ quan lập pháp và tiến hành các hoạt động phá hoại quy mô lớn. Những hành động này của họ cho thấy một sự thách thức nền tảng pháp quyền của Hong Kong, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và trật tự xã hội. Việc này thật không thể chấp nhận được” - tuyên bố nêu rõ. Cơ quan này cũng kêu gọi chính quyền Hong Kong phải mở cuộc điều tra nhằm bảo vệ bình yên cho xã hội.

Cũng trong ngày 2-7, văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macao thuộc Quốc vụ viện TQ cùng ngày cũng đưa ra tuyên bố với lời lẽ chỉ trích tương tự nhằm vào vụ bạo loạn. Cơ quan này lên tiếng ủng hộ chính quyền Hong Kong “đưa những kẻ phá hoại ra trước pháp luật”. Tuyên bố này cũng nói thêm rằng cuộc bạo động đã thách thức trực diện mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Được biết theo thỏa thuận trao trả giữa London và Bắc Kinh, quy chế này cho phép Hong Kong được tự chịu trách nhiệm về các vấn đề đối nội trong khi chính quyền đại lục quản lý lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao của đặc khu này cho đến năm 2047.

Hôm 30-6, một ngày trước khi xảy ra vụ bạo động, tại Hong Kong đã diễn ra một đợt biểu tình khác ủng hộ cảnh sát mạnh tay trừng trị những kẻ quá khích của đợt xuống đường hồi tháng 6-2019 với sự tham gia của hàng chục ngàn người.

(Theo hãng tin CNN) 

Tờ Trung Hoa Nhật Báo trong bài xã luận với tiêu đề “Luật pháp và trật tự là nền tảng cho sự thịnh vượng của Hong Kong” cho biết từ lúc Anh trao trả Hong Kong về TQ, nơi này “đã xuất hiện những nỗ lực nhằm ngăn cản sự phát triển tất yếu của đặc khu”. Bài viết nhấn mạnh bất kỳ hành động nào cũng không thể làm suy yếu quy chế “một quốc gia, hai chế độ”.

“Dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, chính quyền TQ đại lục luôn sẵn sàng hỗ trợ trưởng đặc khu và chính quyền đặc khu quản lý Hong Kong theo đúng pháp luật (…) Cách duy nhất để cho khu vực đặc khu hành chính tiếp tục tăng trưởng kinh tế và giữ vững sự ổn định là nơi này phải đưa sự phát triển của riêng mình hòa nhập vào tiến trình phát triển chung của đất nước” - Trung Hoa Nhật Báo viết.

Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản TQ, cho rằng xã hội Hong Kong trước hết phải tự chịu trách nhiệm và cùng đứng lên “chống lại bạo lực của đám đông”, vì đó chính là tinh thần và nghĩa vụ của quy chế mà Hong Kong đang được thụ hưởng. Người dân đặc khu phải tự biết bảo vệ sự ổn định của mình.

“Các vấn đề và tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua các cơ chế phù hợp hiến pháp. Sử dụng bạo lực để tước đoạt sự ổn định của xã hội Hong Kong là tội ác lớn (…) Hình ảnh của nơi này và lối sống của người dân Hong Kong sẽ không bị những người gây bạo loạn làm suy yếu. TQ đại lục và Hong Kong thuộc về một gia đình lớn; và đại lục mong muốn được chứng kiến sự quay về của một thành phố ổn định và thịnh vượng” - Hoàn Cầu Thời Báo viết. Cũng theo tờ báo này, một Hong Kong được cải thiện và hồi phục là ước muốn của mọi người TQ.

Quốc tế lên án bạo lực ở Hong Kong

Theo hãng tin AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1-7 cho biết ông “rất buồn” khi thấy cuộc biểu tình bạo loạn tại Hong Kong. Tổng thống Mỹ hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết. Ông Trump cũng nói đã trao đổi ngắn với ông Tập Cận Bình về vấn đề này khi hai ông gặp nhau bên lề Hội nghị G20 ở Nhật Bản vừa qua. Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó kêu gọi “tất cả các bên phải kiềm chế bạo lực”.

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho biết quan điểm của London là “các quyền tự do của đặc khu này không bị lay chuyển” nhưng kêu gọi những người biểu tình kiềm chế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm