Một số cơ quan chính phủ Mỹ cảnh báo rằng Bình Nhưỡng vẫn đang cố gắng lách các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế và mua vật liệu cho chương trình tên lửa của mình, theo hãng tin Sputnik.
Ngày 1-9, Bộ Ngoại giao, Thương mại và Tài chính Mỹ đã đưa ra một báo cáo, nhận định rằng Triều Tiên đang sử dụng các thủ thuật lách luật để mua sắm vật liệu liệu hỗ trợ cho chương trình tên lửa của họ.
Theo báo cáo, Triều Tiên đã sử dụng một mạng lưới đại lý thu mua rộng khắp ở nước ngoài, bao gồm các quan chức hoạt động tại các cơ quan đại diện ngoại giao hoặc văn phòng thương mại của Triều Tiên, cũng như công dân nước thứ ba và các công ty nước ngoài.
"Điều quan trọng là các công ty và cá nhân phải nhận thức được các hạng mục chính mà các chương trình vũ khí của Triều Tiên tìm kiếm, các chiến thuật và kỹ thuật mua sắm của Triều Tiên, những rủi ro khi tham gia vào các hoạt động mua sắm liên quan đến tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và những hậu quả tiềm tàng mà họ phải đối mặt" - báo cáo nêu rõ.
Mỹ từ lâu đã hạn chế thương mại với Triều Tiên, chưa kể nước này đang bị Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt nhắm vào các chương trình tên lửa đạn đạo sau khi nước này cho nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.
Quốc gia này bị cấm mua không chỉ động cơ tên lửa mà những nguyên liệu trong các lĩnh vực khác như tinh chế uranium, máy công cụ chính xác cao, vật liệu tổng hợp carbon, nghiên cứu laser và plasmonics, nghiên cứu sinh học và an ninh mạng... đều là những lĩnh vực bị hạn chế.
Bình Nhưỡng vẫn đang cố gắng lách các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế và mua vật liệu cho chương trình tên lửa của mình. Ảnh: REUTERS/KCNA
Mặc dầu vậy, các cơ quan Mỹ cho biết rằng Triều Tiên vẫn đang lén mua khung gầm và các bộ phận khác của xe tải hạng nặng, máy quấn băng, axit clohydric, các rơ le điện tử khác nhau, con quay hồi chuyển và các vật liệu như nhôm và thép...
Trong khi đó, các nhà ngoại giao từ Hàn Quốc và Mỹ, những người tập trung vào quan hệ với Triều Tiên hôm 2-9 đã có cuộc điện đàm về việc nối lại các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng nhằm hướng tới một giải pháp hòa bình lâu dài.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh Bán đảo Triều Tiên Lee Do Hoon và Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đã nhất trí giao tiếp và hợp tác chặt chẽ hơn để khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với CHDCND Triều Tiên. Sau nhiều vòng đàm phán, mối quan hệ hợp tác đã kết thúc vào tháng 2-2019 khi Mỹ từ chối dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế để đổi lấy việc phá hủy một số cơ sở vũ khí của CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử tháng sắp tới, chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng có thể thay đổi. Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, đối tác liên danh tranh cử với ứng viên tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ, đã thể hiện sự ủng hộ của bà đối với việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên nhằm đổi lấy việc phi hạt nhân hóa một phần.