Nga đã làm gì để đứng vững khi bị phương Tây trừng phạt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã khiến Mỹ và đồng minh lên án kịch liệt và giáng nhiều đòn trừng phạt nặng nề trước nay chưa từng có lên Nga nhằm gây áp lực, buộc Moscow phải chấm dứt xung đột.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã nhắm vào nhiều lĩnh vực của Nga trong thời gian qua, bao gồm hệ thống tài chính, xuất khẩu năng lượng và dự trữ ngoại hối. Để đứng vững trước các lệnh trừng phạt, Nga đã có một số biện pháp để khắc phục khó khăn tạm thời, đài RT đưa tin.

Hệ thống thanh toán Mir của Nga thay SWIFT

Các ngân hàng lớn của Nga đã bị loại ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) - là hệ thống trao đổi thông tin thanh toán của các tổ chức tài chính trên toàn cầu, khiến Nga gặp khó trong giao dịch quốc tế.

Tuy nhiên, Nga hiện có thể chấp nhận chuyển khoản điện tử qua Mir - hệ thống thanh toán thay thế của Nga và làm việc với các ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài khác để tránh các hạn chế của phương Tây.

Nga bị loại khỏi hệ thống trao đổi thông tin giao dịch quốc tế SWIFT. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, hệ thống Mir cũng cung cấp một giải pháp thay thế trong thanh toán giống như Visa và MasterCard khi hai công ty này ngừng phục vụ giao dịch quốc tế cho khách hàng Nga.

Hình thức thanh toán mới và điểm xuất khẩu mới

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng nhắm vào các khoản tiền của Nga bằng đồng euro và USD nhằm hạn chế giao dịch thương mại quốc tế của nước này. Tuy nhiên, Moscow đang thiết lập các cơ chế thương mại cho phép thanh toán bằng đồng rúp với các đối tác thương mại nước ngoài.

Cụ thể, Nga và Trung Quốc đã có cơ chế thanh toán bằng đồng rúp - nhân dân tệ được một thời gian. Đầu tháng này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bày tỏ sẵn sàng giao dịch bằng đồng rúp. Ngoài ra, một kế hoạch giao dịch đồng rúp-rupee đã được công bố, áp dụng trong xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ. Đó là dấu hiệu cho thấy Nga có những lựa chọn thay thế cho việc thanh toán nếu phương Tây tiếp tục cấm vận nước này.

Các doanh nghiệp được lệnh bán phá giá đồng USD

Để ngăn sự xuống giá mạnh của đồng rúp so với các đồng tiền chính dùng cho thanh toán quốc tế, chính quyền Nga đã lệnh cho các doanh nghiệp Nga có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài bán 80% thu nhập ngoại tệ của mình và chuyển chúng sang đồng rúp.

Chính sách này được kỳ vọng là sẽ ổn định đồng tiền quốc gia Nga và khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào Nga thay vì chuyển vốn ra nước ngoài.

Cấm xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước

Nga đã tạm thời cấm xuất khẩu ngũ cốc sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á- Âu (EAEU). Các hạn chế xuất khẩu bao gồm việc chuyển hàng đến các quốc gia có chung khu vực tự do hải quan với Nga và cũng là các nước trước đây nằm trong Liên bang Xô viết, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.

Biện pháp này nhằm mục đích dự trữ lương thực, đảm bảo nguồn cung trong nước và giữ ổn định giá cả cho mặt hàng này.

Cảng Novorossiysk là một trong những cảng lớn nhất Nga. Ảnh: GELIO LIVE JOURNAL

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi các nhà xuất khẩu của Nga không cắt giảm sản lượng khi phản ứng với các lệnh trừng phạt và để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Điều này sẽ giữ cho giá trong nước không tăng cao, bao gồm xăng, dầu diesel, kim loại và các mặt hàng xuất khẩu khác. Ông Putin nói thêm rằng các dự án thay thế các sản phẩm nhập khẩu chưa bao giờ quan trọng hơn như lúc này.

Tăng lãi suất để hỗ trợ đồng rúp

Với gần một nửa dự trữ ngoại hối của đất nước bị đóng băng và không thể hỗ trợ đồng rúp đang mất giá, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng nâng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 2 từ 9,5% lên mức kỷ lục là 20% mỗi năm.

Biện pháp này được thực hiện nhằm hạn chế rủi ro mất giá và lạm phát ngày càng tăng, hoặc đơn giản là để giúp duy trì sự ổn định giá cả và bảo vệ khoản tiết kiệm của công dân khỏi bị mất giá.

Cơ quan này cũng đưa ra các biện pháp bổ sung để hỗ trợ các tổ chức tín dụng và khuyến nghị các ngân hàng không tính lãi và tiền phạt đối với các khoản vay cũng như cho phép cơ cấu lại các khoản thanh toán và tạm hoãn trả nợ.

Các động thái này đã giúp ổn định đồng rúp khi Nga đã ghi nhận sáu ngày liên tiếp đồng rúp tăng giá so với đồng euro và USD, tính đến ngày 17-3.

Thanh toán nợ bằng đồng rúp để tránh vỡ nợ

Nga đã uỷ quyền chi hai khoản thanh toán cho các trái chủ - là tổ chức, cá nhân cho nhà phát hành vay tiền thông qua việc mua trái phiếu, với tổng trị giá 117 triệu USD đến hạn vào ngày 16-3. Theo đó, Nga sẽ thanh toán bằng USD và số tiền này ở các tài khoản của Nga đang bị đóng băng ở nước ngoài.

Nga thanh toán bằng đồng rúp để tránh vỡ nợ. Ảnh: DNA

Hiện việc chấp thuận chuyển giao tiền tùy thuộc vào Mỹ và các đồng minh. Nếu các nước này không giao tiền, Moscow sẽ lệnh thanh toán khoản nợ nói trên bằng đồng rúp theo tỷ giá hối đoái chính thức của ngân hàng trung ương Nga tại thời điểm giao dịch.

Trước đó, Moscow tố cáo phương Tây đang muốn đẩy Nga vào tình trạng “vỡ nợ nhân tạo” vì nước này có tiền để trả các khoản nợ nhưng Nga đang bị hạn chế tiếp cận số tiền đó.

Hỗ trợ cho công dân, doanh nghiệp

Hôm 16-3, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh áp dụng các biện pháp mới để hỗ trợ công dân Nga trong bối cảnh giá cả tăng, tỉ lệ thất nghiệp và các vấn đề nguồn cung bị hạn chế do các lệnh trừng phạt.

Các biện pháp này sẽ tập trung vào việc bảo vệ các gia đình có trẻ em và người già. Ông Putin cho biết quyết định tăng lương tối thiểu, lương trong khu vực công và các phúc lợi xã hội, bao gồm cả lương hưu, sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.

Chính phủ Nga đã cũng thông qua dự thảo kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính quyền địa phương cũng đã được hướng dẫn cung cấp cho các tổ chức, cá nhân tự kinh doanh các biện pháp hỗ trợ, bao gồm trợ cấp và tín dụng.

Tìm cách để doanh nghiệp nước ngoài ở lại Nga

Trước sức ép trừng phạt, một số công ty nước ngoài trong tháng này đã tuyên bố tạm thời rút khỏi Nga, bao gồm IKEA, Microsoft, Volkswagen, Apple, Shell, McDonald’s, H&M và các công ty khác.

Các đề xuất đã được đưa ra để duy trì các hoạt động các doanh nghiệp này, bao gồm việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm 16-3, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ tôn trọng quyền sở hữu tư nhân của các công ty nước ngoài. Trước đó, ông đã lên tiếng ủng hộ một ý tưởng khác đó là để các công ty nước ngoài được điều hành bởi các đối tác nước ngoài ở Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm