Phương Tây tính toán đường ra cho xung đột Nga - Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây thông báo sẽ có phiên họp bất thường với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 24-3 tới tại trụ sở của khối ở thủ đô Brussels (Bỉ), liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

Cuộc họp sẽ tập trung đánh giá về hậu quả của cuộc xung đột, khẳng định sự ủng hộ của NATO đối với Ukraine, cũng như bàn các biện pháp nhằm tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ của khối trước nguy cơ an ninh mới. Phát biểu trên trang Twitter chính thức về sự kiện này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh châu Âu và Mỹ cần sát cánh cùng nhau trong thời điểm trọng yếu như lúc này.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (phải) trong một cuộc
họp báo chung ở trụ sở NATO tại Bỉ hồi tháng 2. Ảnh: CNN

Chiến tranh kết thúc ra sao còn tùy vào Nga

Trong hơn hai tuần qua, các đồng minh như Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và cả Ukraine liên tục mở các kênh đối thoại với Nga. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại đến nay chưa thể mang lại bất kỳ thỏa thuận đáng kể nào.

Giới chức các nước tham gia đối thoại với Nga từng hy vọng thuyết phục được Tổng thống Nga Vladimir Putin giảm bớt các yêu cầu về phi quân sự hóa hoàn toàn Ukraine nhưng giới chức Mỹ và Pháp không tin rằng các cuộc đàm phán như vậy sẽ mang lại kết quả. Theo nguồn tin ngoại giao của The Washington Post, ý kiến chung ở Mỹ cho rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy Nga có ý định giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao vào thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh Nga vẫn giữ lập trường tiếp tục chiến dịch ở Ukraine cho đến khi phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine - điều dĩ nhiên giới chức Ukraine sẽ phản đối quyết liệt - thì rất khó đưa ra đề nghị tích cực nào.

Phần Nga và Ukraine đã có phiên hòa đàm thứ tư vào ngày 14-3, trong đó phía Ukraine có đề nghị thu xếp để ông Zelensky gặp trực tiếp ông Putin nhưng Moscow chưa bình luận về ý tưởng này.

Viễn cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine kết thúc thế nào là điều khó đoán với giới học giả và lãnh đạo phương Tây. Kịch bản đáng lo ngại nhất là những cuộc giao tranh giữa hai bên với mức độ ác liệt tăng dần sẽ khiến xung đột kéo dài hơn, đẫm máu hơn, tàn phá nghiêm trọng đất nước Ukraine và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng thấy.

Với các diễn biến trên, cựu phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề châu Âu và NATO Jim Townsend đánh giá: “Việc đoán định chiến sự kết thúc như thế nào sẽ khá phức tạp. Nó phụ thuộc vào tính toán của Moscow, phương án hỗ trợ Ukraine phục hồi và cách xử lý các biện pháp trừng phạt của phương Tây”.

 

Số liệu từ Liên Hợp Quốc cho thấy kể từ khi Nga phát động chiến dịch hôm 24-2, đã có ít nhất 500 dân thường thiệt mạng ở Ukraine và con số thực tế có thể còn cao hơn. Khoảng 1.300 lính Ukraine đã thiệt mạng sau hơn hai tuần chiến sự, theo ông Zelensky tuần trước.

Phương Tây sẽ làm gì tiếp theo?

Theo tờ The Washington Post, sự đoàn kết giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu thời gian qua được thể hiện rất rõ khi phe này sát cánh trên gần như mọi phương diện, sử dụng gần như mọi đòn trừng phạt Nga. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đến nay dường như chưa thực sự hiệu quả khi quân Nga vẫn tiếp tục tiến quân bao vây các TP của Ukraine.

Ông Townsend điểm lại chiến lược hiện tại của phương Tây là đảm bảo Nga chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng bằng trừng phạt, cũng như tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Tuy nhiên, theo ông, hỗ trợ quân sự cho Ukraine đến lúc này vẫn cho thấy hạn chế vì phương Tây nhiều lần làm rõ là không muốn đối đầu trực tiếp với Nga. Ông Biden từng khẳng định sẽ không điều quân tới Ukraine, còn NATO thì từ chối đề nghị thiết lập vùng cấm bay của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong khi đó, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt có thể dẫn tới nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế Nga, một điều hết sức rủi ro.

Trong lúc Nga vẫn kiên định với những tính toán của mình thì giới phân tích cảnh báo rằng phương Tây, nhất là Mỹ, sẽ không tiếp tục đứng ngoài, để cho các cuộc đàm phán với Nga diễn ra và kết thúc trong thất bại giữa lúc chiến sự ở Ukraine ngày càng căng thẳng. Nhiều chuyên gia đã gợi ý hành động cho phương Tây để tìm đường ra cho xung đột Nga - Ukraine.

Theo chuyên gia Samuel Charap thuộc Viện Rand Corporation (Viện Nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ), song song với gia tăng sức ép trừng phạt, hành động hợp lý cho Mỹ và phương Tây là nỗ lực đàm phán trực tiếp với Nga. Một quan chức EU tiết lộ rằng các lãnh đạo khối này thực chất chưa tung hết sức để thuyết phục ông Putin, vì họ nghĩ nhà lãnh đạo Nga chưa sẵn sàng đàm phán.•

Phương Tây chật vật khi đối đầu với ông Putin

Theo The Washington Post, một trong những thách thức của phương Tây lúc này là làm thế nào ứng phó với ông Putin - người mà một số nhà phân tích dự đoán có thể có những hành động khó lường nếu tình thế ở Ukraine trở nên bất lợi.

Trước khi xung đột quân sự ở Ukraine xảy ra, chính quyền ông Biden đã đe dọa trừng phạt mạnh tay để ngăn Nga phát động chiến dịch. Nhưng khi những lời cảnh báo đó không đủ lay chuyển quyết tâm của Nga, Mỹ và đồng minh châu Âu đã phải thực sự thực hiện hàng loạt biện pháp trừng phạt để đáp trả. Trong mắt ông Putin, những biện pháp này dường như không phải nhằm thay đổi hành vi của ông ở Ukraine, mà là nỗ lực để lật đổ chính quyền Nga.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tuần này, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William J. Burns cảnh báo rằng ông Putin có thể có những bước đi quyết liệt hơn nếu nhận thấy bị cô lập và sẽ ngày càng mất kiên nhẫn với những gì diễn ra ở Ukraine. Dù không biết chính xác cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc thế nào, giới chức Mỹ hiểu rõ kết quả phụ thuộc vào ông Putin.

“Xung đột này có thể sẽ chỉ kết thúc khi ông Putin nhận ra rằng cuộc chiến ở Ukraine không có lợi cho Nga về lâu dài” - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland khẳng định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm