Nobel Hòa bình 2020: WHO hay ông Trump?

Giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 sẽ được Ủy ban Nobel NaUy công bố vào chiều nay 9-10 theo giờ Việt Nam.

Giải thưởng Nobel Hòa bình vinh danh các cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp lớn lao nhất cho hòa bình thế giới trong năm. Với nhiều biến động của thế giới trong năm nay, giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 cũng được chú ý hơn và mang nhiều ý nghĩa hơn.

So với các năm trước, chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay – một năm toàn cầu chịu nhiều biến động về nhiều mặt: y tế, kinh tế, chính trị…- khá khó đoán. Ngay Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm – ông Dan Smith cũng thừa nhận năm nay ông ít chắn chắn về người nào sẽ chiến thắng hơn so với mọi năm.

Thường thì Ủy ban Nobel NaUy luôn giữ kín danh tính các cá nhân và tổ chức được đề cử nhưng truyền thông luôn có cách khai thác dựa vào thông tin những người chủ động đề cử nói về lựa chọn của mình. Theo truyền thông thì trong số 318 ứng viên (gồm 211 cá nhân và 107 tổ chức) có nhiều cái tên rất đáng chú ý.

Sẽ là WHO?

Các tổ chức, cá nhân được xem là những ứng viên sáng giá cho giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 hầu hết đều gắn với các sự kiện biến động trong năm nay.

Một diễn biến xuyên suốt năm 2020 là đại dịch COVID-19, và đây là lý do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được đưa ngay đầu danh sách dự đoán sẽ được vinh danh giải thưởng Nobel Hòa bình với nỗ lực đối phó đại dịch.

Một phiên họp của ban điều hành WHO về ứng phó với COVID-18 tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 5-10. Ảnh: Christopher Black—World Health Organization/AFP/GETTY IMAGES

Theo tạp chí TIME, COVID-19 đã là chủ đề chính của hàng loạt cuộc đối thoại, tranh luận chính trị trong năm 2020. Đại dịch này đã thay đổi cách người dân trên thế giới đi lại, làm việc, tương tác với cộng đồng. Vì thế không ngạc nhiên khi WHO được đề cử. WHO là tổ chức đứng đầu và là trung tâm của nỗ lực ứng phó dịch toàn cầu: từ việc tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu ngày 11-3 đến lập ra hướng dẫn y tế công cộng, hỗ trợ nhằm tăng khả năng phòng chống dịch ở các nước nghèo, đưa chuyên gia đến nhiều nước như Turkmenistan và Iran hỗ trợ chống dịch.

Tuy nhiên WHO cũng hứng rất nhiều chỉ trích trong suốt thời gian qua. WHO bị chỉ trích vì chậm khuyến cáo mọi người mang khẩu trang, vì trông dựa vào thông tin từ chính phủ Trung Quốc mà bỏ qua thông tin của bác sĩ Lý Văn Lượng, cũng như vì gạt Đài Loan khỏi tổ chức này.

Nhân vật chỉ trích WHO nặng nề nhất là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc lẫn WHO trong việc để COVID-19 lan rộng. Hồi tháng 4 ông Trump tuyên bố sẽ cắt tài trợ WHO vì chuyện này.  Bản thân ông Trump cũng đã nhiễm COVID-19, đã vào bệnh viện quân y Walter Reed ba ngày, và hiện đã xuất viện về Nhà Trắng tiếp tục điều trị.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia về giải thưởng Nobel cho rằng WHO khó có khả năng đoạt giải. Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo – ông Henrik Urdal, nguyên nhân khiến ông nghĩ WHO khó đoạt giải vì những chỉ trích mà tổ chức này phải nhận trong thời gian qua. Theo thông tin của ông thì ngay trong nội bộ hội đồng giải thưởng cũng có sự bất đồng về cách WHO xử lý đại dịch COVID-19.

Hay ông Trump?

Nhân vật quan trọng nhất trong số các cá nhân được đề cử là Tổng thống  Trump. Ông Trump được đề cử vì có nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Serbia và Kosovo, làm cầu nối để Israel ký Hiệp ước Abraham bình thường quan hệ với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Bahrain.

Ông Trump được tới ba đề cử. Một trong những người đã đề cử ông Trump là nghị sĩ NaUy Christian Tybring-Gjedde, Chủ tịch Phái đoàn NaUy tại Hội đồng Nghị viện NATO.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi xuất viện về Nhà Trắng chiều 5-10. Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Trump từng nhiều lần nói ông tin mình xứng đáng được trao giải. Tại một sự kiện ở bang Ohio (Mỹ) hồi tháng 1 ông Trump có nói lý ra giải thưởng Nobel Hòa bình 2019 mà Thủ tướng Ethiopia – ông Abiy Ahmed được nhận với những đóng góp chấm dứt xung đột với nước láng giềng Eritrea phải thuộc về mình. Năm 2018 ông Trump cũng nói ông xứng đáng được giải gì các nỗ lực thuyết phục lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia không đánh giá cao khả năng đoạt giải của ông Trump. Nhiều nhà phân tích cho rằng Hiệp ước Abraham đẩy nhanh sự thay đổi quyền lực vốn đang diễn ra ở Trung Đông, nhưng vẫn chưa thể rõ liệu việc thay đổi này sẽ khiến khu vực ổn định hơn hay bất ổn hơn.

Chưa biết WHO hay ông Trump sẽ được vinh danh nhưng một điều chắc chắn dù là ai thì cũng sẽ xuất hiện những ý kiến trái chiều.

Còn những ai?

Trong số đề cử cá nhân có cô Greta Thunberg - nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển. Nhân vật này từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm ngoái và được tạp chí TIME vinh danh là Nhân vật của năm 2019.

Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg trong một cuộc họp báo. Ảnh: Kay Nietfeld/GETTY IMAGES

Cô Thunberg là nhân vật được giới dự đoán đặt niềm tin nhiều nhất khi cô được đề cử năm 2019, và năm nay cô cũng là một trong những người được dự đoán có nhiều khả năng đoạt giải nhất.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern - nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới cũng được đề cử với việc dẫn dắt đất nước xử lý thành công đại dịch COVID-19.

Về tổ chức, trong danh sách đề cử có phong trào chống phân biệt chủng tộc Black Lives Matter ở Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tòa án nhân quyền châu Âu, người dân Hong Kong.

Viện nghiên cứu hòa bình Oslo cũng đưa ra các cá nhân và tổ chức mà Viện này dự đoán sẽ được vinh danh giải Nobel Hòa bình năm nay.

Về ý kiến chủ quan của mình, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo – ông Henrik Urdal hy vọng giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 sẽ vinh danh một tổ chức hay một cá nhân có nỗ lực thúc đẩy quyền tự do báo chí.

Các tổ chức cụ thể mà ông Urdal nhắc tới là Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo - một tổ chức quốc tế có trụ sở ở Mỹ với chủ trương hoạt động chính là bảo vệ tự do truyền thông, tổ chức Nhà báo không biên giới. Ngoài ra ông cũng hy vọng giải thưởng Nobel Hòa bình 2020 sẽ thuộc về một cá nhân nhà báo có thành tích nổi bật trong việc thúc đẩy quyền tự do báo chí.

Ngoài ra trong danh sách dự đoán của Viện nghiên cứu hòa bình Oslo còn có cô Alaa Salah (người dẫn đầu các cuộc biểu tình ở Sudan), nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny – người suýt mất mạng vì nghi bị đầu độc bằng chất độc Novichok hồi tháng 8, Nathan Law - tham gia phong trào ô dù ở Hong Kong năm 2014, hiện sống lưu vong ở Anh, Scholar Ilham Tohti – bị chính phủ Trung Quốc bắt vì có các hoạt động liên quan người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm