Ông Duterte: Sẽ không trừng phạt các công ty Trung Quốc như Mỹ

Theo tờ South China Morning Post hôm 1-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bác bỏ khuyến nghị của Ngoại trưởng nước này về việc ngừng giao dịch kinh doanh với các công ty Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: GETTY IMAGES

Cụ thể, vào ngày 26-8, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với 24 công ty nhà nước của Trung Quốc "tiếp tay" cho quân đội nước này quân sự hóa bảy rạn san hô ở Biển Đông. Theo lệnh trừng phạt, các công ty Trung Quốc bị cấm mua công nghệ và sản phẩm từ Mỹ, cũng như không được kinh doanh với các tập đoàn Mỹ.

Ngày 28-8, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói trên kênh truyền hình CNN Philippines rằng ông khuyên Manila nên chấm dứt mối quan hệ với các công ty Trung Quốc vừa dính đòn trừng phạt của Mỹ.

“Nếu bất kỳ công ty Trung Quốc nào nằm trong danh sách 24 công ty đó có hợp đồng với chính phủ, thì tôi thực sự khuyên chúng ta nên chấm dứt mối quan hệ với công ty đó” - ông nói.

Tuy nhiên, khuyến nghị của ông Locsin dường như đã thất bại. Hôm 1-9, phát ngôn viên của ông Duterte - ông Harry Roque cho biết tổng thống tuyên bố rằng ông sẽ không làm theo Mỹ.

Cụ thể, ông Roque cho biết: “Mỹ có thể cấm các công ty Trung Quốc kinh doanh ở Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống nói ông sẽ không tuân theo chỉ thị của Washington vì Philippines là một quốc gia tự do và độc lập và Manila cần các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc”.

“Dự án Sangley vẫn được thông qua” - ông Roque nói thêm.

Dự án Sangley là một dự án nâng cấp Căn cứ Không quân Sangley ở tỉnh Cavite (phía nam thủ đô Manila) thành sân bay quốc tế thứ hai ở khu vực này. Nhà đầu tư cho kế hoạch trị giá 10 tỉ USD này là tập đoàn MacroAsia Corp của ông trùm gốc Hoa Lucio Tan.

Tập đoàn này là nhà thầu duy nhất cho dự án này và hiện đang hợp tác với Công ty Truyền thông Xây dựng Trung Quốc (CCCC) - một trong 24 công ty bị Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tuần trước.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông. Ảnh: EPA

“Sangley hay bất kỳ dự án nào khác, dù là của nhà thầu Trung Quốc đều được tiếp tục được triển khai vì lợi ích quốc gia. Chúng tôi sẽ đảm bảo thực hiện các dự án này theo chương trình cơ sở hạ tầng quốc gia" - ông Roque nói.

Đặc phái viên Trung Quốc tại Manila Huang Xilian ca ngợi việc ông Duterte theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập.

"Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Philippines luôn dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi. Tất cả các dự án đều tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành. Tôi tin rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại sự hợp tác kinh tế bình thường giữa Bắc Kinh và Manila sẽ không bao giờ thành công".

Trong cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh địa phương, ông Huang cho biết việc các công ty và cá nhân Trung Quốc tham gia các hoạt động xây dựng trong nước là "chính đáng" và "hợp pháp". Ngoài ra, ông còn chỉ trích động thái trừng phạt của Mỹ "can thiệp thô bạo" vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc cũng như "chia rẽ" Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, chuyên gia về Biển Đông và cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio cho biết vấn đề này không liên quan đến “một chính sách đối ngoại độc lập” hay "nối gót Mỹ".

"Philippines là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu môi trường biển ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) bị tàn phá. Điều tối thiểu nhất mà chính phủ Philippines phải làm là cấm CCCC nạo vét ở Biển Đông và ngừng dành cho công ty này những hợp đồng 'béo bở' để kinh doanh ở Philippines" - ông nói với tờ South China Morning Post.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm