Pháp đang gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều tàu chiến tới biển Đông và lên kế hoạch tập trận quân sự nhằm chống lại các hành động quân sự hóa sai trái của Trung Quốc trong khu vực, theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP).
Cuối tháng 5, tàu tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ của Pháp đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tàu tấn công Dixmude của Pháp. Ảnh: SCMP
Viết trên tờ Wall Street Journal, một chuyên gia quân sự từ viện nghiên cứu Hudson (Mỹ) có mặt trên tàu của Pháp cho hay “một vài tàu khu trục và tàu hộ vệ” của Trung Quốc đã “bám đuôi” các chiến hạm của Pháp.
Ông Porcher cho biết tàu của Pháp vẫn giữ liên lạc thông qua sóng vô tuyến với tàu chiến của Trung Quốc “từ khi đang ở trong khu vực cho đến khi chúng tôi rời đi”.
Mỹ hiện là quốc gia có tiếng nói mạnh mẽ nhất nhằm chống lại những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Anh và Pháp cũng thể hiện quan điểm phản đối với Trung Quốc, gửi tàu chiến đến biển Đông 3-5 lần mỗi năm.
Vào tháng 8, Không quân Pháp dự kiến sẽ tổ chức cuộc tập trận lớn chưa từng thấy ở Đông Nam Á, một hành động nhằm đánh dấu sự hiện diện của Pháp ở khu vực.
Khoảng ba máy bay chiến đấu Rafale, một máy bay vận tải quân sự A400M và một máy bay tiếp dầu C135 sẽ bay từ Australia tới Ấn Độ và dừng lại tại một số điểm theo kế hoạch.
Các hoạt động trên không và trên biển này diễn ra sau tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến thăm Australia hồi tháng trước. Khi đó, ông Macron nói về nhu cầu cần phải bảo vệ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương khỏi “tham vọng bá quyền” của một số nước trong khu vực, có vẻ ngầm ám chỉ Bắc Kinh.
Ông Macron nói rằng Pháp không muốn đối đầu Trung Quốc, tuy nhiên một “trục Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hùng mạnh” cần phải đảm bảo các nước đều tôn trọng các hoạt động tự do hàng hải và hàng không.
Chuyên gia địa chính trị Valerie Niquet thuộc một viện nghiên cứu ở Paris đánh giá các hoạt động của Pháp cho thấy Mỹ không còn là quốc gia phương Tây duy nhất tham gia tình hình khu vực biển Đông.