Sau 1 năm thảm họa, 2021 thế giới sẽ có chuyển biến mới

Chỉ còn chưa tới một tuần nữa thế giới sẽ bước sang năm 2021. Nhìn lại năm 2020, đại dịch COVID-19 càn quét để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng mà đến nay các nước vẫn chưa khắc phục được.
Dư luận nhìn chung kỳ vọng năm 2021 sẽ là năm của thay đổi và những khởi đầu mới để bù cho bức tranh màu xám vừa qua.
Ưu tiên khôi phục kinh tế hậu COVID-19
Trả lời phỏng vấn của đài Altamar (Mỹ), TS Demosthenes Peterson thuộc công ty tư vấn rủi ro Longview Global Advisors (Mỹ) nhận định chắc chắn ưu tiên hàng đầu của chính quyền các nước trong năm 2021 sẽ là đẩy nhanh tiến độ khôi phục nền kinh tế nhằm đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường toàn cầu. 
Hiện nhà đầu tư quốc tế đang trong tâm trạng tích cực khi ngày càng nhiều nước tuyên bố đã phát triển thành công vaccine ngừa dịch và chuẩn bị tiêm chủng hàng loạt trong khoảng quý I-2021. Dù vậy, tốc độ phục hồi kinh tế và thu nhập giữa các khu vực sẽ có mức độ phân hóa nhất định vì những quốc gia châu Á kiểm soát dịch tốt hơn những nước ở Bắc Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh. 
 
Tiêu điểm
4,2%

là mức sụt giảm GDP của nền kinh tế toàn cầu do tác động của đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020, theo báo cáo tháng 12 của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). 
Ông Peterson cho rằng điều này có thể sẽ tạo điều kiện để châu Á vươn lên dẫn trước, mở đầu cho kỷ nguyên châu lục này trở thành trung tâm của thế giới như nhiều chuyên gia khác lâu nay đã dự đoán. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là đến nay các nước châu Á, ngoại trừ Trung Quốc (TQ), vẫn chưa tự bào chế được vaccine thành công mà phải mua lại từ phương Tây. “Đây sẽ là lợi thế đáng kể của phương Tây trong quan hệ với các nước châu Á thời gian tới khi họ có thể chủ động kiểm soát nguồn cung vaccine - vốn rất cần thiết để đảm bảo đại dịch không quay lại và tàn phá kinh tế một lần nữa” - TS Demosthenes Peterson nhận xét. 

Thế giới kỳ vọng năm 2021, vaccine phòng ngừa COVID-19 sẽ thật sự mang lại hiệu quả để đại dịch không còn là “cơn ác mộng”.
Ảnh minh họa: THE ECONOMIST

Vấn đề Trung Quốc tiếp tục hiện hữu
Là quốc gia đầu tiên bùng phát COVID-19, nền kinh tế TQ năm qua đã có bước phục hồi mạnh mẽ với GDP quý III-2020 nước này ghi nhận mức tăng trưởng 4,9%, một con số khá ấn tượng khi đặt cạnh mức sụt giảm gần 7% trong quý I - thời điểm đại dịch bắt đầu diễn biến xấu. Tận dụng lợi thế này, TQ trong năm 2021 rất có thể sẽ còn mở rộng hiện diện hơn nữa trên trường quốc tế, theo ông Peterson. Điều khó dự đoán ở đây là TQ sẽ tiếp nhận vị thế mới của mình như thế nào. 
Trong năm 2020, cách hành xử và phát ngôn thiếu kiềm chế của giới lãnh đạo Bắc Kinh là nguyên nhân chính đẩy quan hệ giữa TQ và phần còn lại của thế giới, nhất là các nước phương Tây, vào giai đoạn căng thẳng đáng lo ngại. 
“Tôi nghĩ Bắc Kinh biết rõ vấn đề này nhưng liệu họ có thật tâm xem đây là dấu hiệu để điều chỉnh hành vi hay không, hay họ sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự quyết đoán để ép các nước khác phải ngã vào quỹ đạo của họ” - ông Peterson nói. 
Ngoài ra, các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, trong năm 2020 đã bắt đầu có dấu hiệu chuyển sang đối đầu với TQ bằng cách liên kết, hình thành các liên minh, tổ chức để tạo thành một khối đoàn kết thay cho những nỗ lực đơn phương như các năm trước. TS Demosthenes Peterson kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng trở nên quy củ hơn. 
“Các nước như Úc, Nhật và Canada với lợi ích kinh tế - chính trị ít nhiều gắn kết chặt chẽ với TQ sẽ muốn ngồi lại với nhau cùng soạn ra một chiến lược toàn diện để kiểm soát Bắc Kinh. Những nước nhỏ hơn có thể cũng sẽ tự tạo ra những liên minh của riêng họ nếu họ cảm thấy không thoải mái được cạnh những cường quốc khác. Tóm lại là năm 2021 sẽ lại là một năm khó khăn về mặt ngoại giao nữa với TQ nếu nước này vẫn giữ nguyên đường lối cũ” - ông Peterson nói thêm.
Vấn đề Trung Quốc sẽ tiếp tục được thế giới quan tâm trong năm 2021. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: GETTY IMAGES

Bộ mặt mới của Trung Đông năm 2021

Năm 2020 có thể xem là một năm đầy thắng lợi cho Israel khi bình thường hóa quan hệ thành công với bốn nước thuộc khối Ả Rập là Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Sudan và Morocco thông qua trung gian là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Theo TS Yasmina   Abouzzohour thuộc Viện Brookings (Mỹ), những cú bắt tay giữa lãnh đạo Israel và các nước Ả Rập trước hết cho thấy sự thắng thế của chủ nghĩa đa phương và xu thế hợp tác cùng phát triển. Điều này càng quan trọng hơn nữa đối với một khu vực quanh năm chìm trong chiến tranh và xung đột như Trung Đông. Do đó, 2021 có thể sẽ là năm cho một chương mới của sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng, ít nhất là cho những nước nói trên. Bên cạnh đó, rõ ràng các nước trong khối Ả Rập cũng đang bắt đầu tự chủ hơn trong các vấn đề nội bộ, sức ảnh hưởng của các tổ chức Hồi giáo mang tính khu vực đang suy giảm nhanh chóng. 
Dù vậy, ở Trung Đông vẫn còn tồn tại một ẩn số khó lường là Iran. Khác với năm 2020, Iran của năm 2021 sẽ cắt giảm đáng kể những động thái mang tính đối đầu trực diện với Mỹ và Israel mà chủ yếu hành động thông qua các nhóm vũ trang chân rết trong khu vực như Hezbollah. Mặt khác, Iran vẫn tiếp tục tỏ ra cứng rắn trước những yêu cầu hạn chế chương trình hạt nhân từ phương Tây nhưng cũng đã nhiều lần ngỏ ý sẽ nhượng bộ nếu Mỹ chịu quay trở lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA. 
TS Yasmina Abouzzohour cho rằng việc Iran sẽ hành xử như thế nào phụ thuộc vào việc quan hệ mới Israel và các nước Ả Rập nói trên tạo ra sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cấu trúc an ninh - chính trị của Trung Đông. Nếu Israel tận dụng lợi thế mới có để gây sức ép với Iran thì các nhóm vũ trang thân Iran và ngay cả Iran cũng sẽ đáp trả bằng nhiều cách khác nhau. Bên cạnh đó, nếu Mỹ trong năm tới không có cách tiếp cận khác với Iran thì nhiều khả năng mọi chuyện vẫn sẽ như cũ.•
Chọn giữa kinh tế và môi trường
Theo báo cáo tháng 12 của chương trình khí hậu Liên Hợp Quốc (UNEP), dù mức khí thải toàn cầu năm nay có giảm nhưng mức giảm trong ngắn hạn này nhiều khả năng không mang lại tác động dài hạn, Trái đất vẫn đang tiến tới kịch bản tăng 3 độ C trong thế kỷ này, thậm chí có thể lên tới 4 độ C. 
Giới chuyên gia suốt năm qua đã kêu gọi chính quyền các nước nỗ lực theo đuổi chiến lược kinh tế xanh. Kinh tế xanh, theo định nghĩa của UNEP, là tập hợp những chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các công nghệ không phát khí thải, giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, đóng cửa các nhà máy than đá và thúc đẩy các giải pháp kinh tế thân thiện với môi trường như trồng rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, khái niệm kinh tế xanh đã được chuyển thành phục hồi xanh với hàm ý kêu gọi các chính phủ tránh coi nhẹ các chương trình phát triển bền vững trong cuộc đua phục hồi kinh tế sau đại dịch. Dù vậy, những lời kêu gọi dường như không có kết quả.
“Nếu các nước không có các chính sách phù hợp và sử dụng những nguồn lực này một cách hiệu quả, gánh nặng chồng chất lên các thế hệ sẽ là một hành tinh bị tàn phá” - UNEP cảnh báo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm