Theo thống kê của hãng tin Reuters ngày 9-7, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 12.000.000 trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công nhận có bằng chứng về khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 qua đường không khí.
Ca dương tính với COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc vào đầu tháng 1, và sau 149 ngày, số ca nhiễm trên toàn cầu đã chạm mốc 6.000.000 ca. Tuy nhiên chỉ mất ít hơn 1/3 thời gian đó (39 ngày) thì số ca nhiễm đã tăng gấp đôi.
Ca tử vong đầu tiên được xác nhận vào ngày 10-1 tại Vũ Hán, Trung Quốc trước khi số ca mắc và tử vong gia tăng ở châu Âu và sau đó là ở Mỹ. Tính đến nay, đã có hơn 546.000 ca tử vong được xác nhận.
Con số tử vong này tương đương với số người chết hàng năm do các dịch cúm thông thường khác. Tuy nhiên theo WHO, số ca nhiễm COVID-19 lại cao gấp ba lần so với số ca mắc các loại bệnh nặng liên quan đến cúm thường niên.
Dịch nặng nhất ở châu Mỹ
Quốc gia có dịch nặng nề nhất vẫn là Mỹ. Tính đến hết thứ ba ngày 7-7, toàn nước Mỹ đã hơn 1.150.000 ca dương tính trong đó gần 135.000 người đã chết, chiếm tới hơn ¼ cả số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu.
Đã nhiều tháng trôi qua nhưng đà lây nhiễm ở Mỹ vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Hiện mỗi ngày ở Mỹ vẫn ghi nhận tới hàng chục ngàn ca nhiễm mới. Chẳng hạn số ca nhiễm mới của Mỹ cao kỷ lục vào ngày 3-7, với gần 58.000 ca. Điều này cũng khiến cho dư luận và người dân Mỹ ngày càng bất mãn với các chiến lược đối phó với dịch COVID-19 của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Tại Brazil – nước có dịch nặng thứ hai thế giới, chỉ trong một thời gian ngắn dịch diễn biến xấu quá nhanh dù trước đó nước này được đánh giá là không nghiêm trọng bằng nhiều nước khác. Tính tới thời điểm này Brazil đã có tới hơn 1.700.000 ca nhiễm trong đó hơn 68.000 người đã chết. Đáng lưu ý là trong số ca nhiễm có cả Tổng thống Jair Bolsonaro.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro trong cuộc họp báo công bố các biện pháp ngăn ngừa COVID tại Brasíc, Brazil ngày 18-3 Ảnh: REUTERS
Theo thống kê của Reuters dựa trên các báo cáo của chính phủ, dịch bệnh đang có tốc độ lan truyền mạnh mẽ nhất tại các nước Mỹ Latinh. Các nước châu Mỹ chiếm hơn một nửa số ca nhiễm và gần một nửa số ca tử vong. Tổng số ca nhiễm của Brazil và Mỹ chiếm tới 45% số ca nhiễm mới trên toàn cầu kể từ đầu tháng 7. Đứng sau Mỹ và Brazil, tại châu Mỹ còn có Peru (gần 313.000 ca nhiễm trong đó hơn 11.000 ca tử vong), và Chile (hơn 300.000 ca nhiễm trong đó gần 6.600 ca tử vong).
Châu Á: Ấn Độ nặng nhất
Tại châu Á, nước có dịch nặng nhất là Ấn Độ. New Delhi vốn ngay từ đầu rất thận trọng và chủ động trong đối phó dịch. Nước này là một trong những quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt nhất thế giới. Tuy nhiên sau khi dần nới lỏng phong tỏa, dịch đã nặng lên thấy rõ.
Một bệnh nhân đang chờ khám bệnh tại một bệnh viện tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS
Hiện Ấn Độ là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ ba thế giới (tới hơn 769.000 ca nhiễm trong đó tới hơn 21.000 người chết) và đang rất chật vật với dịch bệnh với hơn 20.000 ca nhiễm mỗi ngày.
Châu Âu vẫn nóng
Gần như toàn bộ châu Âu là điểm nóng COVID-19 trong giai đoạn đầu dịch mới bùng phát. Đến thời điểm này, điểm nóng của dịch tại châu lục này là Nga, dù nước này vốn dịch vẫn nhẹ trong bối cảnh các nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Anh, Ý, Đức, Pháp …oằn mình chịu dịch hoành hành.
Nga hiện đã là nước có dịch nặng thứ tư thế giới với hơn 707.000 ca nhiễm trong đó gần 11.000 người chết, và các con số vẫn tiếp tục tăng nguy hiểm.
Các nước Tây Ban Nha, Anh, Ý, Đức, Pháp …dù tình hình có dịu hơn thời gian trước nhưng vẫn rất đáng ngại. Hiện các nước này vẫn bị đánh giá là những nước có dịch nặng của thế giới.
Đáng lo ngại, WHO vừa mới có tuyên bố công nhận rằng virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua đường không khí. Diễn biến này đến sau khi 239 nhà khoa học cùng viết thư yêu cầu WHO điều chỉnh khuyến cáo phòng chống dịch theo hướng virus có thể lây lan trong không khí.
Đây là thông tin rất đáng lo trong bối cảnh nhiều quốc gia vốn từng có dịch nặng giờ tiến triển có phần tốt hơn đã và đang nới lỏng các biện pháp cách ly từng áp dụng để ngăn chặn sự lây lan.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số quốc gia như Trung Quốc và Úc lại tiến hành đợt đóng cửa mới như một biện pháp đối phó làn sóng COVID-19 thứ hai.
Nhìn chung, với tình hình này, nhiều các chuyên gia nhận định những thay đổi trong đời sống xã hội và việc làm sẽ còn tiếp diễn cho đến khi có vaccine ngừa.