Ngày 7-7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận có “chứng cứ đang nổi lên” cho thấy virus SARS-COV-2 gây dịch COVID-19 lan trong không khí. Diễn biến này đến hai ngày sau khi một nhóm hơn 200 nhà khoa học cùng gửi thư đề nghị WHO điều chỉnh hướng dẫn phòng dịch vì có chứng cứ cho thấy COVID-19 lan trong không khí.
“Chúng tôi đang bàn về khả năng lan truyền qua không khí và lan truyền qua khí dung như một trong những cách thức lan truyền của COVID-19” – hãng tin Reuters dẫn lời bà Maria Van Kerkhove, trưởng phụ trách về kỹ thuật trong xử lý đại dịch COVID-19 của WHO nói trong cuộc họp báo ngày 7-7 tại Geneva (Thụy Sĩ).
Bà Van Kerkhove cho biết trong vài ngày tới WHO sẽ công bố một báo cáo khoa học tổng hợp lại các hình thức lây truyền của virus.
“Một gói biện pháp ngăn chặn toàn diện là cần thiết để có thể ngăn cản sự lây lan. Đó không chỉ bao gồm giãn cách xã hội mà còn cả sử dụng khẩu trang ở những nơi cần thiết, đặc biệt ở nơi bạn không thể thực hiện giãn cách xã hội và đặc biệt hơn là cho các nhân viên y tế” – theo bà Van Kerkhove.
Du khách tham quan bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) trong mùa dịch COVID-19. WHO vừa công nhận COVID-19 có thể lan trong không khí. Ảnh: Aurelien Meunier/GETTY IMAGES
Trong cuộc họp báo ngày 7-7, Trưởng phụ trách về kỹ thuật của việc phòng ngừa và kiểm soát truyền nhiễm của WHO – bà Benedetta Allegranzi cũng thừa nhận có “chứng cứ đang nổi lên” cho thấy virus lan trong không khí, nhưng theo bà là không chắc chắn.
“Khả năng lan truyền trong không khí nơi công cộng, đặc biệt ở những nơi có điều kiện hết sức đặc biệt, đông đúc, đóng kín, thông khí kém đã được mô tả, không thể bác bỏ. Tuy nhiên, chứng cứ cần được thu thập và phân tích, và chúng tôi tiếp tục ủng hộ điều này” – theo bà Allegranzi.
Trước nay WHO vẫn nói rằng virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây nhiễm qua hình thức giọt bắn xuất phát từ mũi, từ miệng người bị nhiễm, và những giọt bắn này sẽ nhanh chóng rơi xuống đất.
Tuy nhiên trong bức thư gửi đến WHO và được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases (tạm dịch: Các bệnh truyền nhiễm lâm sàng) ngày 5-7, 239 nhà khoa học ở 32 nước đã đưa ra chứng cứ cho thấy các hạt không khí có chứa virus và có thể lây nhiễm cho người nếu hít phải. Do đó các nhà khoa học đã đề nghị WHO điều chỉnh hướng dẫn phòng dịch.
“Chúng tôi muốn họ công nhận chứng cứ. Đây hoàn toàn không phải là một sự tấn công với WHO. Đây là một sự tranh luận khoa học. Chúng tôi cảm thấy cần thiết phải công khai vì họ (WHO) từ chối xem xét chứng cứ sau nhiều cuộc trao đổi (giữa các nhà khoa học) với họ” – nhà hóa học Jose Jimenez tại đại học Colorado (Mỹ) cho biết.
Theo ông Jimenez, về lịch sử luôn có sự lo lắng trong lực lượng nhân viên y tế khi đề cập đến chuyện bệnh tật lan truyền trong không khí. Lý do chính là sợ gây hoang mang, sợ hãi.
“Nếu mọi người nghe đến chuyện lan truyền trong không khí, nhân viên y tế sẽ từ chối đến bệnh viện làm việc. Hoặc họ sẽ mua hết khẩu trang N95 và sẽ không còn cái nào chừa lại cho các nước đang phát triển” – theo ông Jimenez.
Ông Jimenez nói rằng sự đánh giá của WHO về rủi ro lây nhiễm có thể ảnh hưởng đến lời khuyến cáo hiện tại nên giữ khoảng cách 1 m khi giãn cách xã hội. Các chính phủ trông chờ vào chính sách hướng dẫn của WHO và có thể sẽ phải điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng để ngăn đà lây lan của virus.