TQ: Ngoài China Evergrande, còn bao nhiêu tập đoàn BĐS nước này lâm khủng hoảng?

Từ giữa tháng 9 dồn dập tin dữ đến với hàng loạt tập đoàn bất động sản (BĐS) ở Trung Quốc (TQ), liên quan việc chính phủ nước này điều chỉnh chính sách kiểm soát vay nợ, kiểm soát bong bóng BĐS.

China Evergrande lần thứ ba không trả được lãi trái phiếu

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong đợt khủng hoảng đã và đang diễn ra ở TQ là China Evergrande (hay còn biết đến là tập đoàn Hằng Đại), với quả bom nợ 305 tỉ USD thời điểm cuối tháng 9, theo báo Wall Street Journal (WSJ). Ngoài ra, theo tính toán của các nhà phân tích tại ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs Group Inc., China Evergrande còn có khoản nợ nằm ngoài sổ sách lên tới 156 tỉ USD.

Diễn biến mới nhất, ngày 12-10, lần thứ ba trong vòng ba tuần, China Evergrande lại không thể bảo đảm trả lãi trái phiếu đáo hạn, lần này tổng trị giá 148 triệu USD, hãng tin Reuters cho biết. Diễn biến này càng làm tăng sự bất an trong thị trường. Trước đó, các trái chủ cũng không nhận được tiền 2 đợt trả lãi đáo hạn từ China Evergrande.

Một công trường xây dựng gần trụ sở China Evergrande ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc), ngày 26-9. Ảnh: REUTERS

Tính tới thời điểm này, China Evergrande đã thiếu 277 triệu USD tiền lãi trái phiếu, và từ giờ đến hết năm nay tập đoàn này còn phải trả thêm 573 triệu USD tiền lãi trái phiếu nữa. Tính đến nay, China Evergrande đã không thể trả 277 triệu USD cho các trái phiếu coupon nước ngoài. Từ giờ tới cuối năm, China Evergrande còn phải thanh toán 573 triệu USD nữa.

Từ tuần trước, cổ phiếu China Evergrande và Evergrande Property Services - đơn vị quản lý BĐS của tập đoàn - đã bị ngừng giao dịch.

China Evergrande thừa nhận rằng có thể phải chịu cảnh vỡ nợ nếu không mời gọi thêm nhà đầu tư hoặc bán được tài sản.

China Evergrande, nhiều cái tên khác và khoản nợ kinh hoàng 5.200 tỉ USD

China Evergrande không phải là tập đoàn BDS duy nhất và cuối cùng ở TQ chịu khủng hoảng khi nhà nước điều chỉnh chính sách.

Dữ liệu từ CRIC - một đơn vị nghiên cứu của công ty dịch vụ BĐS e-House (TQ) Enterprise Holdings Ltd. - cho thấy tổng doanh số bán hàng của 100 doanh nghiệp BĐS thuộc hàng lớn nhất TQ trong tháng 9 đã giảm 36% so với cùng thời điểm năm trước. Riêng doanh số của các tập đoàn lớn như China Evergrande, Country Garden Holdings Co., China Vanke Co. giảm hơn 44%. 

Nhiều doanh nghiệp BĐS đang vật lộn với nợ lãi trái phiếu đáo hạn.

Ngày 4-10, tập đoàn Fantasia Holdings Group không trả được 206 triệu USD lãi trái phiếu đáo hạn, trước đó có một số đợt hoãn trong tháng 9. Công ty đánh giá tài chính Fitch Ratings đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Fantasia từ B (có rủi ro vỡ nợ, nhưng vẫn còn ở mức an toàn giới hạn) xuống CCC- (có rủi ro tín dụng đáng kể và có nguy cơ vỡ nợ). 

Ngày 25-10 tới Modern Land tới một đợt trả lãi trái phiếu đáo hạn nữa, cho số trái phiếu trị giá 250 triệu USD. Tuy nhiên ngày 12-10 doanh nghiệp này đã phải đề nghị các trái chủ đồng ý hoãn việc này trong ba tháng.

Tập đoàn Sinic Holdings đã không thể thanh toán số lãi 38,7 triệu USD tiền trái phiếu đáo hạn ngày 18-9, và vừa thừa nhận sẽ không thể trả lãi và gốc cho số trái phiếu trị giá 250 triệu USD đáo hạn ngày 18-10. Sinic Holdings đang chịu khoản nợ 14,2 tỉ USD và cổ phiếu đã bị ngừng giao dịch từ ngày 20-9, hạng tín nhiệm bị hạ từ mức CCC+ xuống còn CC – mức theo công ty xếp hạng tín nhiệm là doanh nghiệp rất dễ bị tổn thương. Sinic Holdings thừa nhận mình có nguy cơ sẽ vỡ nợ vào tuần tới.

Theo số liệu của công ty dữ liệu thị trường tài chính Refinitiv (Mỹ, Anh), trong năm tới, các doanh nghiệp BĐS TQ đến hạn phải trả lãi cho khoản hơn 101 tỉ USD tiền trái phiếu đã phát hành.

Ngày 8-10, trái phiếu của 24 trong số 59 nhà BĐS TQ trong chỉ số ICE BofA về trái phiếu doanh nghiệp châu Á bằng đồng USD được giao dịch với mức lợi suất trên 20%, cho thấy rủi ro vỡ nợ rất lớn.

Hiện các tập đoàn, công ty BĐS TQ đang phải đối mặt với khoản nợ kinh hoàng hơn 5.200 tỉ USD, theo các nhà kinh tế tại công ty tài chính Nomura (Nhật). Khoản nợ phình gấp đôi kể từ cuối năm 2016. Các khoản vay ngân hàng chiếm nhiều nhất, 46%. Trái phiếu chiếm khoảng 10%, trong đó có 217 tỉ USD trái phiếu USD và phần nhiều là trái phiếu rủi ro cao.

Tưởng tượng China Evergrande sụp đổ?

Hệ lụy dễ thấy nhất là hàng triệu khách hàng đã bỏ tiền ra mua các dự án nhà trả trước cũng như các nhà thầu nhỏ của tập đoàn này sẽ mất tài sản.

Thời điểm thịnh vượng, China Evergrande từng nói rằng mình có 1.300 dự án nhà tại hơn 280 TP ở TQ. Giờ China Evergrande đang nợ 1,4-1,5 triệu căn hộ phải hoàn thiện để trao cho những khách hàng đã trả tiền trước. Từ tháng 9, hàng trăm chủ nợ đã tập trung trước các trụ sở China Evergrande ở Thâm Quyến, Nam Xương để đòi tiền.

Kế đó là nhân viên tập đoàn. China Evergrande huy động cả tiền nhân viên. Khoảng 80% trong số khoảng 200.000 nhân viên đã bỏ tiền mua trái phiếu gom tiền cho tập đoàn.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm