'Bom nợ' Evergrande có nguy cơ lây lan sang bất động sản Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại toạ đàm với chủ đề: “Evegrande: Bom nợ bất động sản Trung Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam” tổ chức sáng ngày 4-10, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết: Nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ năm 2008, lúc đầu Chính phủ Mỹ nghĩ rằng với các khoản nợ xấu trên sổ sách ở mức 100 tỉ USD  là điều bình thường. Tuy nhiên, cuối cùng, khi cuộc khủng hoảng thực sự nổ ra thì tổn thất kinh tế của Mỹ lên tới 40.000 tỉ USD.

Evergrande là bài học đắt giá cho Việt Nam

Theo ông Nghĩa, điều đó cho thấy, tổn thất trên sổ sách có thể chỉ là 100 tỉ USD nhưng nếu Chính phủ không có những giải pháp kịp thời, không nhằm vào nhưng “chốt” chính yếu của hệ thống tài chính thì sẽ làm mất lòng tin của các nhà đầu tư và những người gửi tiền, từ đó dẫn đến một tổn thất kinh tế vô cùng lớn.

Rút kinh nghiệm từ bài học đó, nên giờ đây khi Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng nợ 100 tỉ USD, điều cần thiết trước tiên mà Trung Quốc phải làm là làm cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng vững vàng. Cách làm này không chỉ giúp cho các ngân hàng tránh khỏi nguy cơ đổ bể mang tính hệ thống mà còn tránh được việc mất niềm tin của người gửi tiền. Khi ngân hàng đứng vững thì cũng có cơ hội để tái cấu trúc tài sản của Evergrande và cho các khách hàng của Evergrande” - TS Lê Xuân Nghĩa nói.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm: “Evergrande cũng là một doanh nghiệp tay không bắt giặc. Trong khi vay ngân hàng thì phải chịu rất nhiều điều kiện ngặt nghèo như là phải có khả năng trả nợ, có dự án tiềm năng, có tài sản thế chấp….

Nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu.

Do đó cách dễ nhất để huy động vốn là phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khác với kênh vay vốn từ ngân hàng, dòng tiền khi được giải ngân sẽ rót trực tiếp vào nhà thầu, nhà cung cấp nguyên vật liệu xây dựng, chứ không rót tiền cho chủ đầu tư... tránh việc nhà đầu tư phát triển bất động sản dùng tiền vay ngân hàng sai mục đích".

"Trong khi đó, kênh huy động vốn từ trái phiếu thì doanh nghiệp thích dùng vào mục đích nào cũng được mà không ai quản lý, không ai biết. Chính vì thế, có thể Evergrande dùng tiền từ kênh phát hành trái phiếu đi đầu tư vào dự án khác mà không dùng để hoàn thiện dự án đang dang dở. Tích tụ dần thì nợ trái phiếu ngày càng lớn.

Evergrande là một vụ việc điển hình cho vấn đề khi dòng tiền bán hàng âm thì dòng tiền kênh chứng khoán cung lao dốc. Đây là một hiện tượng rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Không phải chỉ có Evergrande mà nhiều tập đoàn lớn tại Trung Quốc cũng đang rơi vào tình trạng gặp khó khăn tương tự” - TS Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

Coi chừng khối "u nhọt" sau lưng ngày càng lớn

Về mặt tác động của cuộc khủng nợ Evergrande đối với thị trường tài chính toàn cầu thì theo TS Lê Xuân Nghĩa là không lớn. Tuy nhiên về bài học kinh nghiệm thì Việt Nam nên rút bài học bởi Việt Nam có cách đầu tư, cách huy động vốn là giống hệt như Evergrande, thậm chí mức độ huy động vốn từ trái phiếu còn khủng khiếp hơn.

Trao đổi thêm, TS Võ Đình Trí, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Kinh doanh IPAG tại Paris, thành viên Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam (AVSE), cho biết: Cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp bất động sản huy động qua kênh trái phiếu đang ở quá nhiều.

Trong khi đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa thực sự phát triển do còn thiếu các công ty kiểm toán độc lập đánh giá, xếp hạng tín nhiệm các trái phiếu, thông tin trái phiếu chưa minh bạch… Chính vì vậy, nhà đầu tư nào không có kiến thức mà đầu tư vào lĩnh vực này thì sẽ đối mặt với nhiều rủi ro rất lớn"

"Qua câu chuyện của Evergrande thì cũng có một số bài học cho thị trường bất động sản của Việt Nam về mặt quản lý vĩ mô. Ở một số tỉnh thành, giá mặt bằng bất động sản cao bất thường so với thu nhập của người dân. Do đó, các cơ quan quản lý cần phải có biện pháp để giảm bớt tính đầu cơ trong thị trường bất động sản.

Chẳng hạn, đối với trường hợp mua bán bất động sản trong thời gian ngắn (dưới một năm) thì nên áp mức thuế suất cao để hạn chế hành vi đầu cơ, đồng thời góp phần hạ nhiệt giá nhà đất. Bởi nếu không kiểm soát tốt tình trạng đầu cơ thì giá nhà đất sẽ đối mặt với nguy cơ tăng giá rất cao.

Ở nước ngoài, chi phí dành cho việc trả góp mua nhà tương đương khoảng 1/3 thu nhập của người lao động trung bình là phù hợp, còn nếu phải dành tới 50% thu nhập trở lên dành cho việc trả tiền mua nhà được xem là quá cao" - TS Trí phân tích.

TS Lê Xuân Nghĩa nói: “Nói gì thì nói, phải thừa nhận một điều rằng thị trường tài chính của Trung Quốc xét về mặt nào đó thì vẫn còn minh bạch hơn Việt Nam. Do đó, ngay cả khi họ phát hành trái phiếu cũng có tài sản bảo đả.

Còn ở Việt Nam, có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng không thấy ai đánh giá xếp hạng, thậm chí còn úp úp, mở mở giao cho một ngân hàng nào đó phát hành để khách hàng có cảm giác “dường như” có ngân hàng bảo lãnh, song thực chất không có nhà băng nào bảo lãnh. Đây là bài học để các cơ quan quản lý tại Việt Nam thấy rằng nếu không giám sát thực chất, giám sát chặt chẽ thì sẽ có khối u nhọt sau lưng ngày càng lớn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm