Trung Quốc có thể 'vũ khí hóa' Sáng kiến Vành đai và Con đường

Theo tờ South China Morning Post hôm 11-9, báo cáo của Viện Chính sách Xã hội châu Á (Mỹ) cho biết Trung Quốc có thể sẽ "vũ khí hóa" một số dự án trong chính sách đối ngoại đầy tham vọng mang tên "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo báo cáo được được công bố ngày 8-9, Trung Quốc đã phác họa một mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng đa năng tại nơi mà họ gọi là "điểm mạnh chiến lược" ở các nước bao gồm Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và Campuchia.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP

Tham vọng của Bắc Kinh

Các lập luận trong báo cáo chỉ ra rằng Bắc Kinh đang có tham vọng tạo ra "một hệ sinh thái kết hợp giữa thương mại, công nghệ, tài chính và các điểm mạnh chiến lược nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc".

Ngoài ra, điều này còn có thể mở đường cho việc sử dụng quân sự nhằm làm suy yếu “ảnh hưởng và vai trò của Mỹ với tư cách là một bên bảo đảm an ninh” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Văn bản cũng trích dẫn việc Trung Quốc xây dựng các cảng thương mại để phục vụ hoạt động quốc phòng, xuất khẩu mạng lưới vệ tinh BeiDou và tăng cường các cuộc tập trận cũng như mua bán vũ khí với các nước thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn nhấn mạnh một mạng lưới các cảng gồm cảng Gwadar của Pakistan, cảng Koh Kong của Campuchia, cảng Hambantota của Sri Lanka và cảng Kyaukphyu của Myanmar - là các địa điểm mà Trung Quốc có thể sử dụng để phục vụ các nhu cầu của quân đội.

"Các cảng này thiết kế như một điểm hỗ trợ hậu cần quân sự và thương mại hỗn hợp hơn là một loạt các căn cứ quân sự truyền thống" - theo báo cáo.

"Tuy nhiên, thay vì trở thành căn cứ quân sự để triển khai quân đội và tiến hành các hoạt động chiến đấu thực tế, các cơ sở này lại phù hợp hơn nếu đóng vai trò là điểm tiếp tế nhằm hỗ trợ các lực lượng trên biển. Bên cạnh đó, nó cũng thúc đẩy khả năng can thiệp vào Ấn Độ Dương của Hải quân và hỗ trợ một loạt các hoạt động phi chiến đấu".

Các dự án này sẽ không chỉ làm tăng sự phụ thuộc kinh tế của các nước có liên quan vào Trung Quốc mà còn làm tăng sự phụ thuộc của họ vào công nghệ Trung Quốc và giảm nhu cầu đối với mạng và công nghệ từ phương Tây.

Nhóm nghiên cứu cảnh báo: "Nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển mạng 5G tại các quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường và liên kết chúng thông qua hệ thống vệ tinh BeiDou, Bắc Kinh sẽ dần có thêm ảnh hưởng và làm giảm đi các lợi ích thương mại, ngoại giao và chiến lược của Mỹ".

Washington có thể làm gì?

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng mạng lưới cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vẫn chưa có đủ các căn cứ quân sự ở nước ngoài và kêu gọi Mỹ ngăn chặn Trung Quốc bằng cách làm việc với các đối tác trong khu vực để cung cấp các chương trình cơ sở hạ tầng thay thế.

Ngoài ra, Bắc Kinh đang gặp phải những khó khăn trong việc thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng của mình vì tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm giảm khả năng huy động nguồn lực.

"Việc Trung Quốc có thể 'vũ khí hóa' Sáng kiến Vành đai và Con đường một cách hiệu quả hay không phụ thuộc một phần vào lựa chọn của Bắc Kinh - và của cả Washington" - báo cáo cho biết.

Văn bản  đưa ra các đề xuất kêu gọi Washington hợp tác với "các nền dân chủ láng giềng" như Ấn Độ, Australia và Nhật Bản và các nước trong khu vực như khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á để cung cấp các giải pháp thay thế thương mại và quân sự.

"Vẫn còn nhiều cơ hội để Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc để có được ảnh hưởng và uy tín ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - báo cáo nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm