Trung Quốc nhắm tới Đài Loan để 'thử' ông Biden

Tuần trước, Trung Quốc (TQ) đưa hơn 10 máy bay ném bom H-6K, máy bay tuần thám săn ngầm Y-8 cùng hàng chục tiêm kích các loại chia thành nhiều đợt liên tục xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) Đài Loan thiết lập, theo hãng tin Reuters. Giới chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo về hoạt động phô trương sức mạnh quân sự này của Bắc Kinh trong bối cảnh ông Joe Biden vừa nhậm chức tổng thống Mỹ.
Trung Quốc từ mệt mỏi với ông Trump…
Trả lời phỏng vấn tờ The Taipei Times, chuyên gia Su Tzu-yun thuộc Viện nghiên cứu an ninh và quốc phòng (Đài Loan), lưu ý sở dĩ quan hệ Mỹ-Trung dưới thời ông Trump nhiều lần trên bờ vực xung đột bởi Washington lúc đó liên tục can thiệp vào các vấn đề được Bắc Kinh xem là “cấm kỵ và nhạy cảm” như Hong Kong, Tân Cương, Tây Tạng và Đài Loan. Hai năm đầu nhiệm kỳ ông Trump, Mỹ ít can thiệp nên các đợt động binh quân sự của TQ vì thế cũng thấp hơn. Hai năm sau, việc can thiệp ngày càng thường xuyên, tần suất TQ phô trương sức mạnh quân sự cũng nhiều hơn.
 Tiêu điểm
4.000
tàu TQ đã bị Đài Loan xua đuổi trong năm 2020 với cáo buộc xâm nhập bất hợp pháp các vùng biển xung quanh hòn đảo này để khai thác cát, hãng tin AFP cho biết. Con số này tăng gấp sáu lần so với năm 2019. 
Chuyên gia Su lưu ý rằng dù TQ lâu nay vẫn thường điều lực lượng thị uy Đài Bắc nhưng việc điều tới hàng chục máy bay quân sự chỉ trong vài ngày như tuần trước rất hiếm. Bên cạnh đó, TQ những lần trước thường sử dụng các máy bay quân sự bay tầm thấp dùng trong phòng thủ, đợt này lại điều lượng lớn máy bay ném bom và tiêm kích có vận tốc cao, thường dùng cho mục đích tấn công.
Theo ông Su, dụng ý của TQ khi điều máy bay quân sự đến Đài Loan nhiều khả năng để thử phản ứng của chính quyền ông Biden khi nhà lãnh đạo này nhiều lần nhấn mạnh sẽ ưu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đang căng thẳng về vấn đề Đài Loan. Ảnh minh họa: THE NIKKEI

…đến hụt hẫng với ông Biden
Vào thời điểm TQ đưa máy bay đến Đài Loan, tại Mỹ ông Biden chuyển các đề cử bộ trưởng hai cơ quan chiến lược là Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao lên Thượng viện. Hai người được đề cử lần lượt là ông Alejandro Mayorkas và ông Antony Blinken đều đã công khai thể hiện quan điểm cứng rắn với TQ cùng ý định mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở các điểm nóng trên toàn cầu.
Tại lễ nhậm chức của ông Biden hôm 20-1, đại diện Đài Loan tại Mỹ - bà Tiêu Mỹ Cầm được mời tham dự sự kiện. Theo cơ quan ngoại giao của hòn đảo này, đây là động thái chưa có tiền lệ trong lịch sử quan hệ Mỹ-Đài kể từ năm 1979 đến nay.
Chính quyền ông Biden cũng cho thấy sẽ không ngần ngại sử dụng biện pháp quân sự khi cần thiết vì tuần trước đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông tập trận.
Hôm 23-1, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu TQ ngừng gây áp lực lên Đài Loan dưới mọi hình thức, tránh để căng thẳng hai bên leo thang. Mỹ khẳng định: “Chúng tôi luôn sát cánh cùng mọi đồng minh và đối tác có chung các giá trị về an ninh, thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan. Mức độ cam kết của Mỹ với Đài Loan là hoàn toàn vững chắc và góp phần vào nỗ lực chung giữ vững hòa bình, ổn định khu vực eo biển Đài Loan và các vùng xung quanh”.
“Dựa vào cách TQ phản ứng với các phát ngôn và động thái đầu tiên của chính quyền ông Biden, có thể thấy Bắc Kinh rất thất vọng. Họ cứ tưởng ông Biden lên nắm quyền sẽ đỡ gay gắt hơn người tiền nhiệm Donald Trump nhưng rốt cuộc những gì đến nay họ nhận được thật sự không khác gì bốn năm qua” - theo ông Su.
Ông Su cũng cho rằng “nếu như dưới thời ông Trump thì có lẽ đã có thêm nhiều máy bay quân sự của Mỹ nữa bay ngang qua eo biển Đài Loan nhưng những gì ông Biden đã làm hiện tại cũng là rất đáng ghi nhận bởi ông chỉ mới làm tổng thống chưa tới 10 ngày”.•
 
Đông Sa sẽ là mục tiêu sắp tới của Trung Quốc?

Theo tờ The Nikkei, các đợt TQ triển khai máy bay quân sự đến Đài Loan gần đây là đều chọn đường bay băng ngang qua quần đảo Đông Sa, phía bắc Biển Đông. Đông Sa (hiện do Đài Loan kiểm soát) có vị thế chiến lược quan trọng, nằm trong chiến lược vành đai bảo vệ mà Đài Bắc xây dựng nhằm ngăn chặn từ xa lực lượng quân sự của TQ đại lục trường hợp hai bên nổ ra chiến tranh. Ngược lại, với Bắc Kinh thì Đông Sa là bàn đạp có thể dùng để đổ bộ lên phía nam Đài Loan. Hòn đảo này về khoảng cách cũng rất gần với Hong Kong.
Do đó, The Nikkei cảnh báo nếu Bắc Kinh thực tâm muốn leo thang tình hình trong thời gian sắp tới thì động thái đầu tiên sẽ là đổ quân đánh chiếm Đông Sa, bởi lực lượng Đài Loan hiện diện trên quần đảo này tương đối hạn chế. Việc điều máy bay quân sự ngang qua Đông Sa cho thấy TQ hoàn toàn đủ khả năng rải bom từ Đông Sa đến Đài Loan, cắt đứt tuyến hậu cần giữa hai bên mà Đài Bắc khó có khả năng phản kháng.
Nhìn lại năm 2020, tình hình Đông Sa vốn dĩ cũng đã rất căng thẳng. Tháng 8-2020, tờ South China Morning Post từng cho biết Đài Loan có động thái điều khẩn cấp 200 binh sĩ thủy quân lục chiến tới Đông Sa sau khi có thông tin TQ dự định tập trận đánh chiếm quần đảo này vào khoảng thời gian đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm